Nobel Vật lý 2020 và các giải Nobel Vật lý 10 năm trở lại đây

Ba nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez đã có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực vật lý thiên văn và giúp giải mã những bí ẩn quan trọng trong vũ trụ.
Nobel Vật lý 2020 và các giải Nobel Vật lý 10 năm trở lại đây ảnh 1Ba nhà khoa học (từ trái sang) Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez giành giải Nobel Vật lý 2020. (Nguồn: scitation.org)

Chiều 6/10 (giờ Việt Nam), Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển công bố giải Nobel Vật lý năm 2020 thuộc về ba nhà khoa học Roger Penrose (người Anh), Reinhard Genzel (người Đức) và Andrea Ghez (người Mỹ) với những nghiên cứu liên quan đến hố đen.

Đây là giải thưởng thứ hai được công bố mùa giải Nobel năm nay và là giải Nobel Vật lý thứ 114 được trao kể từ năm 1901.

Tôn vinh các nghiên cứu về hố đen và vật thể siêu nặng vô hình ở tâm dải ngân hà

Theo Ủy ban Nobel thuộc Viện Karolinska (Thụy Điển), 3 nhà khoa học Roger Penrose (người Anh), Reinhard Genzel (người Đức) và Andrea Ghez (người Mỹ) đã có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực vật lý thiên văn và giúp giải mã những bí ẩn quan trọng trong vũ trụ.

Nhà khoa học Roger Penrose, sinh năm 1931, đến từ Đại học Oxford (Anh) nhận một nửa giải thưởng năm nay với phát hiện rằng sự hình thành hố đen là bằng chứng chứng chứng minh cho thuyết tương đối chung.

Trong khi, một nửa giải thưởng thuộc về 2 nhà khoa học Reinhard Genzel, sinh năm 1952, từ Viện Vật lý ngoài Trái Đất Max Planck (Đức) và nhà khoa học nữ Andrea Ghez, sinh năm 1965, từ Đại học California, Los Angeles (Mỹ) nhờ phát hiện "vật thể vô hình và cực nặng chi phối quỹ đạo của các ngôi sao ở trung tâm dải thiên hà."

Ba nhà khoa học cùng chia sẻ giải Nobel Vật lý 2020 nhờ những phát hiện về một trong những hiện tượng kỳ thú nhất trong vũ trụ - đó là hố đen.

Nhà khoa học Roger Penrose đã chứng minh thuyết tương đối tổng quát dẫn tới sự hình thành của hố đen. Trong khi đó, 2 nhà khoa học Reinhard Genzel và Andrea Ghez phát hiện ra vật thể siêu nặng và vô hình chi phối các quỹ đạo của các ngôi sao tại trung tâm của dải ngân hà và cách lý giải duy nhất hiện nay là sự tồn tại của một hố đen siêu lớn.

[Giải Nobel Vật lý 2020 tôn vinh nghiên cứu về hố đen vũ trụ]

Chủ tịch Ủy ban Nobel Vật lý David Haviland đánh giá những phát hiện của các nhà khoa học đạt giải năm nay đã đặt nền móng cho nghiên cứu về các vật thể đặc và siêu nặng.

Năm ngoái, giải Nobel Vật lý 2019 đã được trao cho 3 nhà khoa học, trong đó một nửa giải thưởng thuộc về nhà khoa học người Mỹ gốc Canada James Peebles với các phát hiện mang tính lý thuyết về vũ trụ học, và nửa còn lại thuộc về 2 nhà khoa học người Thụy Sĩ Michel Mayor và Didier Queloz với các phát hiện về ngoại hành tinh quay quanh ngôi sao giống Mặt Trời.

Nobel Vật lý 2020 và các giải Nobel Vật lý 10 năm trở lại đây ảnh 2Các thành viên Ủy ban giải Nobel Vật lý và Viện Hoàng gia Thụy Điển công bố công trình nghiên cứu về hố đen vũ trụ đã mang về cho ba nhà khoa học Anh, Đức và Mỹ giải Nobel Vật lý 2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong lịch sử, người trẻ tuổi nhất từng giành giải Nobel Vật lý là nhà khoa học Lawrence Bragg ở tuổi 25 (vào năm 1915), trong khi người cao tuổi nhất giành giải là nhà khoa học Arthur Ashkin (96 tuổi).

Các giải Nobel Vật lý trong 10 năm gần đây

- Năm 2019: Giải thưởng Nobel Vật lý 2019 vinh danh ba nhà khoa học, trong đó một nửa giải thưởng thuộc về nhà khoa học người Mỹ gốc Canada James Peebles vì các phát hiện mang tính lý thuyết về vũ trụ học, và nửa còn lại thuộc về hai nhà khoa học người Thụy Sĩ Michel Mayor và Didier Queloz với các phát hiện về ngoại hành tinh quay quanh ngôi sao giống Mặt Trời.

Những công trình nghiên cứu của ba nhà khoa học trên đã góp phần thay đổi nhận thức của con người về vũ trụ, giúp nhân loại tìm ra câu trả lời muôn thuở về việc liệu có sự sống tồn tại bên ngoài vũ trụ hay không.

- Năm 2018: Ba nhà khoa học gồm Arthur Ashkin (người Mỹ), Gerard Mourou (người Pháp) và Donna Strickland (người Canada) cùng đoạt giải Giải Nobel Vật lý 2018 vì những phát minh mang tính đột phá trong lĩnh vực vật lý laser.

Phát minh này đã cách mạng hóa ngành vật lý laser, giúp giới nghiên cứu khám phá các đồ vật cực nhỏ và quá trình diễn ra siêu nhanh. Những thiết bị cực chính xác này giúp mở ra lĩnh vực nghiên cứu mới, có nhiều ứng dụng trong công nghiệp và y học.

- Năm 2017: Ba nhà khoa học người Mỹ là Rainer Weiss, Barry C.Barish và Kip S. Thorne cùng vinh dự nhận giải thưởng Nobel Vật lý năm 2017 với phát hiện về sóng hấp dẫn, những gợn sóng trong trường không-thời gian, sinh ra từ những sự kiện dữ dội như hố đen sáp nhập.

- Năm 2016: Ba nhà khoa học người Anh gồm David J.Thouless, Duncan Haldane và Micheal Kosterlitz cùng vinh dự được nhận giải thưởng Nobel Vật lý 2016  vì những phát hiện lý thuyết về sự chuyển pha tôpô học và các pha tôpô của vật chất. Nhiều người cho rằng nghiên cứu trên sẽ mở lối cho các ứng dụng trong tương lai, trong cả khoa học vật liệu và điện tử.

- Năm 2015: Giải thưởng Nobel Vật lý 2015 thuộc về nhà khoa học Nhật Bản Takaaki Kajita và nhà khoa học người Canada Arthur B. McDonald, vì chứng minh rằng các hạt cơ bản (neutrino) có khối lượng. Phát hiện này làm thay đổi nhiều hiểu biết của nhân loại trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ.

- Năm 2014: Hai nhà khoa học Nhật Bản là Isamu Akasaki và Hiroshi Amano, cùng nhà khoa học người Mỹ gốc Nhật Shuji Nakamura đã đoạt giải Nobel Vật lý 2014 với phát minh về nguồn ánh sáng mới thân thiện với môi trường và có hiệu suất cao, hay còn gọi là đèn Huỳnh quang đi-ốt (LED).

Nhờ việc phát minh ra đèn LED, loài người có nguồn năng lượng hiệu quả và lâu dài thay thế các nguồn ánh sáng truyền thống. Đèn LED cũng góp phần bảo vệ các nguồn tài nguyên trên Trái Đất.

- Năm 2013: Giải thưởng Nobel Vật lý thuộc về hai nhà khoa học Peter Higgs (người Anh) và Francois Englert (người Bỉ) vì phát hiện ra hạt Higgs Boson, hay còn gọi là “Hạt của Chúa”, giúp giải thích về sự tồn tại của khối lượng.

Việc chứng minh được sự tồn tại của hạt Higgs đã tạo ra dấu mốc khoa học quan trọng. Nó có thể giúp loài người giải thích nguyên nhân tại sao mọi dạng vật chất trong vũ trụ có khối lượng. Không chỉ có ý nghĩa đối với vũ trụ, với hạt Higgs, con người sẽ có thêm nguồn năng lượng mới, giúp tạo nên những thành tựu công nghệ đột phá trong giao thông và viễn thông...

- Năm 2012: Hai nhà khoa học Serge Haroche (người Pháp) và David Wineland (người Mỹ) đã đoạt giải  Nobel Vật lý 2012 vì những phát hiện đột phá về phương pháp đo lường và điều khiển các hạt riêng lẻ (hạt cơ bản) trong khi vẫn bảo tồn tính chất lượng tử mà không phá hủy cấu trúc hạt. Khám phá này đã mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành vật lý lượng tử. Công trình nghiên cứu trên được đánh giá là có thể mở đường cho một cuộc cách mạng đối với máy vi tính trong thế kỷ 21.

- Năm 2011: Ba nhà khoa học gồm Saul Perlmutter (người Mỹ), Adam Riess (người Mỹ) và Brian Schmidt (người Mỹ gốc Australia) cùng vinh dự nhận giải thưởng Nobel Vật lý 2011 vì phát hiện ra hiện tượng vũ trụ vẫn đang giãn nở nhanh, thông qua quan sát sự phát nổ của các ngôi sao (được gọi là sao băng).

Qua các vụ nổ, các nhà khoa học có thể tính toán được tuổi và độ lớn của các ngôi sao cũng như khám phá nhiều bí ẩn trong vũ trụ  bao la. Phát hiện của họ đã làm thay đổi hiểu biết của nhân loại về vũ trụ.

- Năm 2010: Hai nhà khoa học người Nga là Andre Geim và Konstantin Novoselov đã đoạt giải  Nobel Vật lý 2010 vì chứng minh được rằng graphen, một dạng các-bon, là chất mỏng và khỏe nhất được tìm thấy từ trước đến thời điểm nàyNó bền hơn thép 200 lần và có thể truyền tải điện năng tốt hơn đồng gấp 1 triệu lần.

Những đặc tính này tạo cho graphen một số ứng dụng tiềm năng như chế tạo vi mạch cho máy tính, diện thoại di động siêu tốc. Phát hiện này có thể giúp tạo ra vật liệu mới, từ đó tạo bước đột phá trong ngành công nghiệp điện tử.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục