Nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu trước nguy cơ mất trắng mùa điều

Nếu như mọi năm, đến thời điểm này, các vườn điều ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, thì năm nay các vườn điều trên địa bàn tỉnh hầu như không có trái.
Nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu trước nguy cơ mất trắng mùa điều ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: K GỬI H/TTXVN)

Nếu như mọi năm, đến thời điểm này, các vườn điều ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, thì năm nay các vườn điều trên địa bàn tỉnh hầu như không có trái; có những vườn lác đác chỉ vài trái non, nguy cơ mất trắng mùa điều là rất lớn.

Chỉ vào những chùm hoa đã bị khô héo còn sót lại trên cây, ông Trần Đức Sinh, ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, buồn rầu cho biết toàn bộ vườn điều 2,5ha của gia đình ông đều trong tình cảnh hoa đã héo khô quắt trên cành, tìm mỏi mắt cũng không ra một trái trên cây. Nếu như vụ điều năm ngoái, với 2,5ha ông thu được về khoảng 3 tấn, sau khi trừ chi phí ông còn lãi 60 triệu đồng, thì năm nay coi như ông mất trắng.

“Cây điều ra hoa gặp đúng các đợt mưa trái mùa, sương muối nên khiến các chùm hoa bị hư hết, khô héo không đậu được trái. Không chỉ một số cây bị vậy mà cả vườn của gia đình tôi đều bị hiện tượng như trên. Nếu như mọi năm ra tháng Giêng là vườn điều đã bắt đầu cho thu hoạch, thế nhưng năm nay chúng tôi không biết lấy gì mà thu,” ông Sinh nói.

Cũng theo ông Sinh, vùng đất trồng điều của gia đình ông là vùng đất cát, khô cằn thiếu nước, bạc màu nên mặc dù nhiều năm nay cây điều không mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng ông không dám thay vì không biết loại cây trồng nào sẽ phù hợp với vùng đất này.

Không riêng gì vườn điều của gia đình ông Sinh, vườn điều của gia đình anh Phạm Văn Tuyển, ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc cũng xảy ra hiện tượng bông bị khô héo quắt trên cây, chỉ có một số cây lác đác đậu được trái, mà số lượng cũng rất ít.

Theo anh Tuyển, vườn điều của gia đình anh có diện tích 7 sào, nếu như vụ điều năm trước anh thu về 1,5 tấn, sau khi trừ chi phí anh còn lãi được khoảng 30 triệu đồng, thì vụ điều năm nay ước tính anh bị thiệt hại đến gần 70%, do bông bị khô héo quắt khiến số trái đậu được rất ít, mà đến nay vườn điều của gia đình anh cũng chưa được thu hoạch, dự kiến vụ thu hoạch điều năm nay sẽ chậm hơn so với mọi năm khoảng một tháng.

Hầu hết diện tích điều trên địa bàn tỉnh hiện đều trong tình trạng không có trái hoặc có trái rất ít, chỉ lác đác vài quả. Vài năm trở lại đây, do lợi ích kinh tế từ cây điều mang lại không lớn như các cây trồng khác nên diện tích điều trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang ngày càng bị thu hẹp, để nhường chỗ cho các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, đặc biệt là nhường chỗ cho cây hồ tiêu.

Gia đình ông Nguyễn Văn Cường, xã Kim Long, huyện Châu Đức mới vừa cưa bỏ 1ha điều do không có trái. Ông Cường cho biết mặc dù đầu mùa giá hồ tiêu hiện không cao nhưng theo tính toán, thì lợi nhuận của hồ tiêu vẫn hơn hẳn cây điều, nên ông đã quyết định cưa bỏ để chuyển hết diện tích trồng điều sang trồng hồ tiêu. Thêm nữa, nhiều năm nay vườn điều liên tục bị mất mùa, giá lại thấp khiến ông cũng không còn mặn mà với cây trồng này nữa.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, với thời tiết bất thường hiện nay, ngành cũng chưa đánh giá được mức độ thiệt hại đối với các nhà vườn. Tuy nhiên, với thời tiết kiểu này, mưa nắng diễn biến bất thường là cơ hội để dịch bệnh trên cây trồng bùng phát. Vì vậy ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các cán bộ tăng cường kiểm tra, ghi nhận, nắm tình hình, đồng thời ra thông báo và hướng dẫn cho nông dân chủ động trong công tác phòng chống bệnh trên cây trồng.

Điều là cây phụ thuộc trên 60% vào điều kiện tự nhiên nên mỗi khi có mưa liên tục, không khí lạnh kèm sương muối sẽ ảnh hưởng đến quá trình đậu trái của bông điều.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện tại, diện tích cây điều trên địa bàn tỉnh còn hơn 9.860ha. Theo định hướng phát triển cây điều đến năm 2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, diện tích trồng điều sẽ giảm xuống còn 7.000ha với những giống cây chất lượng và năng suất cao.

Trước thực trạng các diện tích điều đang ngày càng bị thu hẹp bà Trần Thị Hiến, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo người dân, không nên vì lợi nhuận trước mắt mà ồ ạt chặt điều để chuyển qua các cây trồng khác. Vì nhiều vùng đất chỉ có thể hợp với sự phát triển của cây điều, chỉ có cây điều mới bén rễ, sinh sôi và phát triển, nếu trồng các cây trồng khác thay thế không phù hợp trên các vùng đất ấy nguy cơ người dân “nhận quả đắng” là điều không tránh khỏi được.

Bà Hiến cũng thông tin thêm, hiện tại, ngành nông nghiệp tỉnh đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, nâng tỷ lệ nhân điều chế biến đạt tối thiểu 40%, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển thị trường nội địa nhằm tránh rủi ro khi thị trường xuất khẩu có những biến động xấu. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh cũng rất quan tâm đến việc cải tạo những vườn điều cũ, phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây ăn trái miền Đông Nam bộ nhân giống điều mới để cung ứng cho người dân.

Trước thực trạng nông dân chặt điều để canh tác sắn, tiêu ở những vùng thiếu nước tưới, Sở cũng đã triển khai mô hình thâm canh cây điều có năng suất tăng 40% và đạt 3,5 tấn/ha, lợi nhuận tăng từ 50-70 triệu đồng/ha so với giống điều cũ. Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn về quản lý dịch hại, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và bảo vệ thực vật trên cây điều./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục