Núi lửa Merapi của Indonesia phun trào nham thạch chảy dài hơn 2km

Một cơ quan chính phủ chuyên giám sát hoạt động núi lửa của Indonesia cho biết họ đã ghi nhận hàng chục cơn địa chấn nhỏ có mối liên hệ với vụ phun trào của núi lửa Merapi trong ngày 23/5.
Núi lửa Merapi của Indonesia phun trào nham thạch chảy dài hơn 2km ảnh 1Núi lửa Merapi ở Sleman, tỉnh Yogyakarta, Indonesia phun trào nham thạch. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 23/5, núi lửa Merapi của Indonesia - một trong những núi lửa đang hoạt động mạnh nhất thế giới - đã phun trào những dòng nham thạch chảy dài hơn 2km từ miệng núi.

Đài quan sát núi lửa Merapi đã công bố những hình ảnh ấn tượng về dung nham tuôn trào từ miệng núi lửa bốc khói.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Thảm họa Địa chất (BPPTKG), một cơ quan chính phủ chuyên giám sát hoạt động núi lửa cho biết họ đã ghi nhận hàng chục cơn địa chấn nhỏ có mối liên hệ với vụ phun trào của núi lửa Merapi trong ngày 23/5.

[Indonesia cảnh báo nguy hiểm khi núi lửa Merapi tiếp tục phun trào]

Agus Budi Santoso, người đứng đầu BPPTKG, cho biết hoạt động của Merapi gia tăng nhẹ trong vài ngày qua, song đây không phải là một dấu hiệu bất thường.

Ông Santoro cho biết dòng chảy dung nham vẫn trong phạm vi giới hạn đã được giới chức nước này xác định. Năm 2022, sau khi đánh giá rủi ro núi lửa phun trào đối với các ngôi làng lân cận, nhà chức trách đã khoanh vùng nguy hiểm trong phạm vi 7km xung quanh núi lửa.

Núi Merapi nằm cách thủ phủ tỉnh Yogyakarta chỉ 28km về phía Bắc, có độ cao 2.963m và là một trong những ngọn núi lửa đang hoạt động mạnh nhất ở Indonesia, hiện ở mức cảnh báo cao thứ hai.

Lần gần đây nhất núi Merapi phun trào mạnh là vào năm 2010, cũng là đợt phun trào mạnh nhất kể từ năm 1930, khiến hơn 300 người thiệt mạng và khoảng 280.000 người khác phải sơ tán.

Nằm trên Vành đai Lửa Thái Bình Dương, Indonesia là đất nước có nhiều núi lửa nhất trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục