Phóng viên TTXVN tại London đưa tin Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã đưa ra tuyên bố về khả năng nước này rút khỏi Công ước châu Âu về Nhân quyền (ECHR) nếu như vị trí thành viên của tổ chức này cản trở kế hoạch chuyển người nhập cư bất hợp pháp đến Rwanda.
Phát biểu trên tờ The Sun trong tuần này, Thủ tướng Sunak đã làm dấy lên những đồn đoán về khả năng Anh rời ECHR khi ông tuyên bố rằng việc kiểm soát nhập cư bất hợp pháp “quan trọng” hơn tư cách thành viên của ECHR.
Đây được coi là tuyên bố mạnh mẽ nhất của ông Sunak về khả năng Anh rời ECHR nếu như các nghị sỹ cánh hữu trong Hạ viện nước này và các thành viên của Tòa án Nhân quyền châu Âu tiếp tục cản trở kế hoạch chuyển người nhập cư trái phép vào Anh đến Rwanda.
Sau tuyên bố của ông Sunak, trên tờ Telegraph, cựu Bộ trưởng Nội vụ Anh Sarah Dines cho rằng nước này sẽ không thể ngăn chặn tình trạng di cư hợp pháp “chưa từng có” cũng như không thể ngăn chặn được cuộc khủng hoảng di cư bất hợp pháp bằng thuyền qua eo biển Manche nếu không rời khỏi ECHR.
Chính phủ Anh đang đau đầu tìm cách giải quyết vấn đề người nhập cư bất hợp pháp bằng đường biển.
Và theo bà Dines, mỗi ngày nước Anh phải chi 8 triệu bảng (10,1 triệu USD) để đảm bảo nơi ăn ở cho những người vượt biên.
Và trong hai năm tới, dự kiến Anh sẽ phải chi đến 6 tỷ bảng (7,6 tỷ USD) cho số người nhập cư bất hợp pháp này nếu như họ vẫn chưa được chuyển đến Rwanda.
Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ Anh dọa sẽ rút khỏi ECHR.
Trước đó, trong các năm 2015 và 2016, hai Thủ tướng Anh vào thời điểm đó là ông David Cameron và bà Theresa May cũng đã từng đe dọa nước Anh sẽ rời ECHR nếu như việc ở lại “không mang lại lợi ích gì cho sự thịnh vượng của chúng ta.”
Từ năm 2018, nước Anh đã được cảnh báo về vấn đề di cư theo đường biển khi 250 người vượt qua eo biển Manche để đến nước này.
Trong năm ngoái, số người di cư đến Anh theo đường này là 40.000 người và vẫn tiếp tục tăng./.
Anh cam kết tiếp tục triển khai kế hoạch đưa người xin tị nạn sang Rwanda
Thủ tướng Sunak tuyên bố London sẽ tìm cách nâng cấp kế hoạch di cư Rwanda thành hiệp ước mang tính ràng buộc pháp lý với Kigali nhằm xua tan những lo ngại của Tòa án Tối cao.