Ô nhiễm đại dương làm thế giới mất 2.000 tỷ USD

Ô nhiễm đại dương do con người gây ra từ việc thải khí cácbon, sử dụng phân bón... có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 2.000 tỷ USD.
Theo báo Công dân Ottawa, ô nhiễm đại dương do con người gây ra từ việc thải khí cácbon, sử dụng phân bón và khai thác hải sản quá mức có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại tới 2.000 tỷ USD.

Báo trên dẫn lời nhà kinh tế Rashid Sumaila thuộc trường Đại học British Columbia (Canada), đồng soạn thảo của báo cáo "Đánh giá đại dương" vừa được công bố tại Hội nghị môi trường "Hành tinh dưới sức ép", cho biết các đại dương hiện là nạn nhân của một thất bại thị trường lớn, khi giá trị thực tế của hệ thống sinh thái và các nguồn lợi đại dương đang bị các nhà hoạch định chính sách phớt lờ và không có trong các chiến lược kinh tế và phát triển.

Các nhà nghiên cứu ước tính môi trường đại dương bị ô nhiễm sẽ khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 428 triệu USD/năm trong vòng 40 năm.

Con số này sẽ tăng lên 2.000 tỷ USD vào năm 2100 nếu thế giới không hành động để hạn chế những thiệt hại do con người gây ra cho các đại dương.

Ngược lại, nếu cả thế giới cùng hành động thiệt hại kinh tế vào năm 2100 có thể giảm xuống 600 triệu USD, tiết kiệm cho kinh tế toàn cầu 1,4 tỷ USD so với kịch bản thực trạng hiện nay.

Bà Sumaila nhấn mạnh rằng thiệt hại do không hành động sẽ tăng lên hàng năm. Việc lập kế hoạch và hành động hôm nay sẽ tiết kiệm tiền bạc trong tương lai.

Theo bà Sumaila, những thiệt hại kinh tế và giá trị thực tế của các nguồn lợi mà đại dương hiện đang cung cấp cho con người từ thực phẩm (các loại hải sản) đến việc phòng chống bão, du lịch và giao thông, phải được hợp nhất vào các kế hoạch kinh tế và phát triển, các kế hoạch phòng chống biến đổi khí hậu, kể cả tại Canada, quốc gia tiếp giáp với ba đại dương là Bắc Băng Dương, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Sự kết hợp những nguy cơ toàn cầu và địa phương đối với các đại dương là chưa từng xảy ra trong lịch sử loài người. Nhưng cuộc khủng hoảng đại dương toàn cầu là có thể tránh được, nếu việc bảo vệ môi trường đại đương trở thành trung tâm của các nỗ lực toàn cầu nhằm xây dựng một nền kinh tế xanh cho tương lai./.

Thanh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục