Ông Rouhani: Iran là quốc gia an toàn, ổn định nhất Trung Đông

Ngày 26/1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế tới hỗ trợ công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng bị cấm vận.
Ông Rouhani: Iran là quốc gia an toàn, ổn định nhất Trung Đông ảnh 1Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 26/1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế tới hỗ trợ công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng bị cấm vận, đồng thời trấn an giới đầu tư rằng Iran là quốc gia an toàn và ổn định nhất tại Trung Đông.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Italy và Iran ở thủ đô Rome trong khuôn khổ chuyến thăm Italy hai ngày 25-26/1, Tổng thống Rouhani khẳng định: "Thị trường Iran có tiềm năng lớn đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Chính phủ Iran sẵn sàng tạo các cơ chế ưu đãi và điều kiện thuận lợi nhằm thu hút đầu tư và tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Chúng tôi muốn mời các bạn tới đầu tư và chúng tôi cam kết sẽ tạo môi trường kinh doanh ổn định cho các bạn."

Đề cập tới thỏa thuận hạt nhân lịch sử vừa có hiệu lực mà Iran đạt được với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức) hồi tháng 7/2015 tại Vienna (Áo), ông Rouhani nêu rõ các cuộc đàm phán hạt nhân đã đưa tới chiến thắng cho tất cả các bên.

Nhà lãnh đạo Iran nhấn mạnh rằng sau khi thoát khỏi các lệnh trừng phạt quốc tế, Iran rất muốn thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển mạng lưới đường bộ, đường sắt, sân bay và các hạ tầng khác.

Trong tương lai, Iran sẽ trở thành một trung tâm phát triển kinh tế nối Trung Đông với khu vực Nam Á và các vùng phía Tây Trung Quốc.

Hiện Iran đang tìm kiếm các nguồn vốn nước ngoài để hoàn thiện dự án phát triển cảng Chabahar tại bờ biển phía Nam.

Italy là điểm dừng chân đầu tiên của Tổng thống Rouhani trong chuyến công du châu Âu chính thức đầu tiên kể từ khi các lệnh trừng phạt kinh tế được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ vào ngày 16/1.

Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Iran và Italy đã ký các hợp đồng trị giá lên tới 17 tỷ euro (18,4 tỷ USD) liên quan tới nhiều lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng, thép và đóng tàu.

Italy từng là đối tác thương mại lớn nhất của Iran ở châu Âu trước thời điểm Tehran bị áp đặt các lệnh cấm vận. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 đạt 1,6 tỷ euro (1,74 tỷ USD), thấp hơn nhiều so với mức 7 tỷ euro (7,63 tỷ USD) từng được ghi nhận trước khi Iran chịu các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây.

Các nhà quản lý Anh đang cân nhắc khả năng cho hai ngân hàng Iran là Ngân hàng Melli và Ngân hàng quốc tế Persia, được phép nối lại hoạt động sau nhiều năm đất nước Hồi giáo này bị phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt.

Theo đó, hai ngân hàng trên sẽ được phép hoạt động tại Anh nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn do Ngân hàng trung ương Anh đặt ra.

Việc đạt được một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran đã giúp Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ những hạn chế đối với các ngân hàng Iran. Điều này sẽ giúp các ngân hàng Iran tại nước Anh thoát khỏi sự cô lập.

Về phần mình, Ngân hàng trung ương Iran cho biết nước này dự kiến tái gia nhập hệ thống ngân hàng quốc tế trong thời gian tới thông qua hệ thống giao dịch toàn cầu SWIFT.

Iran đã mở các chi nhánh ngân hàng tại London từ những năm 1960. Trong nhiều tháng qua, hai ngân hàng Melli và Persia đã thương thảo với các nhà quản lý của Anh về vấn đề bắt đầu hoạt động trở lại ở Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục