Phát hiện hóa thạch loài thú răng chạm có niên đại 16.000 năm

Các nhà khảo cổ Uruguay thông báo nước này vừa phát hiện hóa thạch của một thú răng chạm (Glyptodon) có niên đại 16.000 năm, tại thành phố miền Tây Nam Carmelo.
Phát hiện hóa thạch loài thú răng chạm có niên đại 16.000 năm ảnh 1Hóa thạch của thú răng chạm được phát hiện tại Carmelo. (Nguồn: MEC)

Ngày 3/9, các nhà khảo cổ Uruguay thông báo nước này vừa phát hiện hóa thạch của một thú răng chạm (Glyptodon) có niên đại 16.000 năm, tại thành phố miền Tây Nam Carmelo. 

Phát biểu với báo giới, chuyên gia của Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia, Andrés Rinderknecht, cho biết hóa thạch gồm phần mai cứng và xương của con Glyptodon.

Đây là động vật ăn cỏ lớn thuộc họ Glyptodontidae, tổ tiên của loài Armadillo, sống ở Kỷ Băng hà cách đây 50.000 năm, cùng thời với voi răng mấu (mastodon) và lười khổng lồ (megatherium).

Mưa lớn đã làm phát lộ một phần mai con Glyptodon ở gần bờ suối nên một nông dân của thành phố Carmelo đã phát hiện ra hóa thạch trên.

[Phát hiện hóa thạch răng sữa cách đây hơn 560.000 năm]

Ông Rinderknecht cho biết con Glyptodon nặng khoảng từ 800kg đến một tấn, các mảnh xương hóa thạch của nó nặng tới 80kg. Glyptondon tuyệt chủng khoảng 8.000 năm trước giống loài voi răng mấu. Cho đến nay, nguyên nhân của sự tuyệt chủng đó vẫn là một bí ẩn.

Theo chuyên gia trên, tồn tại hai giả thuyết khiến các động vật khổng lồ trên bị tuyệt chủng. Đó là do khí hậu thay đổi, Trái Đất nóng lên và Kỷ Băng hà kết thúc, hoặc do con người săn bắt chúng để tìm kiếm thức ăn.

Uruguay hiện có 6 bộ xương nguyên vẹn của loài Glyptodon, đang được trưng bày tại các bang Colonia, San Jose và Canelones./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục