Phát lộ hàng nghìn hóa thạch độc đáo từ kỷ Miocen tại Australia

Trong số các mẫu hóa thạch mà các nhà cổ sinh vật học phát hiện tại Vùng đầm lầy McGraths của Australia có cả hóa thạch của ve sầu khổng lồ, ong bắp cày, bọ cánh cứng... và thực vật rừng nhiệt đới.
Phát lộ hàng nghìn hóa thạch độc đáo từ kỷ Miocen tại Australia ảnh 1Mẫu hóa thạch nhện được phát hiện ở vùng đầm lầy McGraths của Australia. (Nguồn: cnet.com)

Các nhà cổ sinh vật học quốc tế đã phát lộ hàng nghìn loài động vật và thực vật hóa thạch - bao gồm cả những loài chưa từng được biết đến trước đây - tại Vùng đầm lầy McGraths, thuộc vùng Trung Tablelands, bang New South Wales (NSW) của Australia.

Theo báo cáo được công bố trên tạp chí Science Advances, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khai quật khu vực này trong suốt 3 năm qua.

Trong số các mẫu hóa thạch mà họ phát hiện có cả hóa thạch của ve sầu khổng lồ, ong bắp cày, bọ cánh cứng, chuồn chuồn, kiến, ong cắn lá cùng nhiều loại cá, loài nhện cửa sập (loài nhện thường sử dụng đất, cỏ cây, tơ nhện, để xây dựng cửa hang và khi nghe thấy tiếng động của con mồi đi qua cửa hang, chúng sẽ bật ra theo bản năng bật cửa ra để tóm gọn con mồi) và thực vật rừng nhiệt đới.

Chuyên gia Matthew McCurry - làm việc tại Bảo tàng Australia và trường Đại học New South Wales (UNSW) - cho biết các hóa thạch trên có từ kỷ Miocen và có thể cung cấp cho giới khoa học những thông tin quan trọng về lịch sử của châu Đại Dương.

[Phát hiện hóa thạch voi ma mút khổng lồ 10.000 năm tuổi tại Mexico]

Ông McCurry nhấn mạnh: “Ở thời điểm hiện tại, thật khó để đưa ra đánh giá tổng quát về những hệ sinh thái cổ đại này. Tuy nhiên, mức độ bảo tồn tại địa điểm nghiên cứu mới này cho thấy ngay cả những sinh vật nhỏ bé, mong manh như côn trùng, cũng ở trong trạng thái bảo quản tốt trong tình trạng hóa thạch.

Các hóa thạch mà chúng tôi tìm thấy chứng minh rằng khu vực này từng là một khu rừng nhiệt đới ôn đới, sự sống ở đây rất phong phú và đa dạng."

Phát lộ hàng nghìn hóa thạch độc đáo từ kỷ Miocen tại Australia ảnh 2Mẫu hóa thạch của một chiếc lông vũ với những chi tiết ấn tượng. (Nguồn: cnet.com)

Theo chuyên gia McCurry, những khám phá vô giá trên có được là nhờ một loại đá giàu sắt có tên là goethite, mặc dù loại đá này thường không thích hợp để tạo ra các hóa thạch. Ông cho biết quá trình biến những sinh vật này thành hóa thạch là chìa khóa giải thích tại sao chúng được bảo quản tốt đến vậy.

Kết quả phân tích cho thấy các hóa thạch này được hình thành khi các mạch nước ngầm giàu sắt quy tụ về một vũng và các khoáng chất sắt kết tủa sẽ bao bọc các sinh vật sinh sống hoặc bị rơi xuống vũng nước này.

Phó Giáo sư Michael Frese, trường Đại học Canberra, cho biết: “Sử dụng kính hiển vi điện tử, tôi có thể quan sát hình ảnh các tế bào riêng lẻ của thực vật, động vật và đôi khi cả những cấu trúc rất nhỏ dưới mức tế bào."

Theo ông, các hóa thạch cũng lưu giữ bằng chứng về sự tương tác giữa các loài, ví dụ như khi quan sát bao tử cá sẽ có thể biết được loài cá đó ăn gì, hoặc phân tích phấn hoa bám trên cơ thể côn trùng sẽ có thể biết được loài nào đang thụ phấn cho cho cây nào./.

Phát lộ hàng nghìn hóa thạch độc đáo từ kỷ Miocen tại Australia ảnh 3Những bông hoa hóa thạch có niên đại từ kỷ Miocen. (Nguồn: cnet.com)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục