Phòng, chống bão số 9: Chủ động bảo vệ 5 nhóm đối tượng có nguy cơ cao

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trong phạm vi 8 tỉnh bị ảnh hưởng của bão số 9, cần đặc biệt quan tâm đến 5 đối tượng có nguy cơ cao.
Phòng, chống bão số 9: Chủ động bảo vệ 5 nhóm đối tượng có nguy cơ cao ảnh 1Vị trí và đường đi của bão số 9. (Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 9 đang tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, dự kiến đi vào đất liền các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên vào khoảng trưa 28/10.

Cần đặc biệt quan tâm 5 đối tượng có nguy cơ cao

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trong phạm vi 8 tỉnh bị ảnh hưởng của bão số 9, cần đặc biệt quan tâm đến 5 đối tượng có nguy cơ cao.

Cụ thể, số dân phải sơ tán theo kịch bản ứng phó với bão cấp 12-13 là hơn 1,279 triệu người; tổng số tàu thuyền trong khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa là 2.063 tàu, trong khi tổng sức chứa tại 21 khu neo đậu tàu thuyền trong khu vực chỉ đáp ứng khoảng 61% nhu cầu thực tế; hơn 14.000ha và gần 179.000 lồng, bè nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, từ Hà Tĩnh đến Phú Yên có 21 hồ chứa thủy điện đang xả đón lũ, trong đó khu vực Nam Trung Bộ có 571 hồ chứa thủy lợi đã tích 30-90% dung tích hiện không có hồ xả tràn.

Từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận có 627km đê biển, đê cửa sông; có 25 vị trí đê biển xung yếu và 10 vị trí đang thi công.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có văn bản ngày 25/10 gửi Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận chỉ đạo công tác ứng phó với bão và mưa lũ sau bão.

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo đã trực tiếp điện cho Bí thư, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận về triển khai ứng phó với bão.

Cùng với đó, các lực lượng biên phòng, cơ quan thủy sản đã tổ chức thông tin đến 59.477 tàu/289.298 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Hiện nay, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã có công điện, văn bản chỉ đạo công tác đối phó với bão số 9, thông báo, hướng dẫn cho tàu thuyền, phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển của bão; hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng, khu neo đậu; gia cố, di dời, đảm bảo an toàn cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ và mưa lũ sau bão.

Cảnh báo rủi ro rất lớn

Từ chiều 27/10, vùng biển ngoài khơi các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m.

Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió Đông Bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m.

Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.

Khu vực ven biển từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 15; sóng biển cao từ 8-10 m; biển động dữ dội.

Dự báo từ đêm 27-29/10, khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; bắc Tây Nguyên 100-200 mm/đợt.

[Các địa phương khẩn trương triển khai biện pháp phòng, chống bão số 9]

Từ ngày 28-31/10, khu vực từ Quảng Trị đến Nghệ An có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; riêng nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến 500-700 mm/đợt.

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9 là cấp 4 (màu đỏ, rủi ro rất lớn).

Theo Quyết định 44/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai. Cấp 1 màu xanh dương nhạt là rủi ro nhỏ; cấp 2 màu vàng nhạt là rủi ro trung bình; cấp 3 màu da cam là rủi ro lớn; cấp 4 màu đỏ là rủi ro rất lớn; cấp 5 màu tím là thảm họa.

Về diễn biến bão số 9, vào 13 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão số 9 ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 550 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Từ 13 giờ ngày 26/10 đến 13 giờ ngày 27/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km và tiếp tục mạnh thêm.

Đến 13 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở cách bờ biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 460km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150 km/giờ), giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông từ 13 giờ ngày 26/10 đến 13 giờ ngày 27/10 (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) gồm: từ vĩ tuyến 11,0-17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,5-120,0 độ Kinh Đông.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Từ 13 giờ ngày 27/10 đến 13 giờ ngày 28/10, bão số 9 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào đất liền các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên.

Đến 13 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở trên đất liền khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11.

Từ 13 giờ ngày 28/10 đến 1 giờ ngày 29/10, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 1 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở ngay trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục