Phòng chống tác hại thuốc lá: Cần có những chế tài linh hoạt

Do các quy định về việc xử phạt vi phạm trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá còn mang tính chung chung nên hầu hết các trường hợp hút thuốc lá bị phát hiện chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, cảnh cáo.
Phòng chống tác hại thuốc lá: Cần có những chế tài linh hoạt ảnh 1Đối tượng buôn lậu thuốc lá. (Ảnh: TTXVN phát)

Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1/5/2013, nhưng đến nay việc áp dụng các quy định, nhất là việc xử phạt các trường hợp vi phạm liên quan đến thuốc lá vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, để thực hiện tốt vấn đề này, bên cạnh việc nâng cao ý thức của người hút thuốc lá còn cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các đơn vị, lực lượng chức năng.

Phép vua thua… ý thức

Tại khuôn viên Bệnh viện Chợ Rẫy, các biển cấm hút thuốc lá được treo ở ngay cổng vào bệnh viện, trước khu hành chính và các khu vực tập trung người bệnh, thân nhân người bệnh, nhưng tình trạng hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện vẫn thường xuyên diễn ra.

Theo anh Trần Cư, Đội trưởng Đội bảo vệ Bệnh viện Chợ Rẫy, hàng ngày đội bảo vệ bệnh viện thường xuyên đi kiểm tra và phát hiện khoảng 30-40 trường hợp hút thuốc lá trong bệnh viện. Nhiều trường hợp khi bị phát hiện luôn tỏ thái độ khó chịu, không hợp tác; nhắc nhở ở nơi này thì người hút lại đi lên lầu, chui vào nhà vệ sinh để hút thuốc tiếp.

Do không có biện pháp xử phạt rõ ràng nên hầu hết các trường hợp hút thuốc lá bị phát hiện chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, cảnh cáo. Từ đầu năm đến nay, đội bảo vệ Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ thực hiện lập biên bản cảnh cáo và mời ra ngoài bệnh viện đối với bảy trường hợp hút thuốc lá do đã nhắc nhở quá nhiều lần.

Các bảo vệ bệnh viện cho biết, hiện phía công an phường cũng chưa tiếp nhận xử phạt các trường hợp này. Mặt khác, lực lượng bảo vệ cũng thấy chưa... gây hậu quả nghiêm trọng để xử phạt. Do đó, việc lập biên bản cảnh cáo là hình thức xử phạt cao nhất đối với người hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện. Trong khi đó, môi trường bệnh viện vốn tập trung những người bệnh có sức đề kháng thấp, tác hại của thuốc lá sẽ ảnh hưởng rất lớn khi những người bệnh này trở thành người hút thụ động.

Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ ở Bệnh viện Chợ Rẫy mà hầu hết các bệnh viện hiện nay, vẫn còn tình trạng thân nhân người bệnh lén hút thuốc trong phòng bệnh và khu vực hành lang có cửa. Các điểm công cộng khác như công viên, nhà hàng, quán càphê, bến xe… trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, việc áp dụng Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cũng đang còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng, khu vực cấm chủ yếu chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở.

Bác sỹ Trịnh Văn Hiệp, Ban Chủ nhiệm Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng ở Việt Nam, hút thuốc lá là một thói quen đã có từ lâu. Việc hút thuốc lá vẫn được nhiều người, kể cả người hút chủ động và người hút thụ động xem là chuyện bình thường.

Bên cạnh đó, tình trạng buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp, khó kiểm soát và việc mua bán thuốc lá quá dễ dàng… đang là một trở ngại lớn trong hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà trong cả nước hiện nay. Trong khi đó, các quy định về việc xử phạt vi phạm trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá còn mang tính chung chung, chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể.

Trong công tác truyền thông, bác sỹ Trần Lâm Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Truyền thông-Giáo dục Sức khỏe Thành phố Hồ Chí Minh, thừa nhận hiện nay nhiều cán bộ, công nhân viên chức, kể cả một số cán bộ y tế không quan tâm tới chiến dịch tuyên truyền phòng chống tác hại của khói thuốc. Điều này gây ra nhiều cản trở cho trung tâm khi triển khai thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng thuốc lá tại môi trường công cộng và công sở.

Nhiều mô hình... chống hút thuốc hiệu quả

Để phòng chống tác hại thuốc lá, nhiều đơn vị hành chính và công ty trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn việc hút thuốc lá.

Bác sỹ Lưu Văn Hòa, Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống thuốc lá Bệnh viện Phụ sản Mê Kông, cho biết bệnh viện này đã lắp đặt camera và phân công nhân viên theo dõi để giám sát việc hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện. Đối với những trường hợp là cán bộ, nhân viên bệnh viện lén hút thuốc lá, ngoài bị khiển trách còn bị bệnh viện áp dụng một số chế tài như kéo dài thời gian xét nâng lương.

Với các đối tượng khác, bệnh viện phối hợp với lực lượng công an phường kiểm tra và giải tỏa bán hàng rong, bán thuốc lá trước cổng và xung quanh bệnh viện. Riêng căng tin của bệnh viện cũng cam kết không bán thuốc lá.

Để triển khai có hiệu quả việc hạn chế hút thuốc lá ở nơi làm việc, một số đơn vị hành chính trên địa bàn cũng đã đưa nội dung hút thuốc lá vào chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên. Theo bà Đào Thị Mỹ Liên, Trung tâm Y tế Dự phòng quận Thủ Đức, bên cạnh bị nhắc nhở, những người hút thuốc lá ở đơn vị này còn bị đưa vào diện "lưu ý" khi bình xét danh hiệu thi đua cuối năm, do trong nội dung hoàn thành công việc của năm có nội dung không được hút thuốc lá.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số cơ quan ban ngành cũng đã tích cực triển khai Luật Phòng chống tác hại thuốc lá như Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch… Các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá đã được tập trung thực hiện ở một số địa điểm công cộng như trường học, bến xe; các phương tiện công cộng; khách sạn; nhà hàng… Riêng ở khu vực quận 1 và quận 3 đã có khoảng 400 nhà hàng, khách sạn thực hiện cam kết không hút thuốc lá; trong đó, các khách sạn 4-5 sao ở khu vực này đều thực hiện nghiêm ngặt xây dựng môi trường không khói thuốc.

Trong thời gian qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có một số phường, xã xây dựng mô hình cộng đồng không thuốc lá như ở phường 6, phường 28 của quận Bình Thạnh; xã Nhị Bình thuộc huyện Hóc Môn, phường 11 của quận 5… Trong năm ngoái, một số nơi đã thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người hút thuốc lá tại nơi cấm hút thuốc lá. Điển hình như ở ủy ban nhân dân các phường 2, 3, 6, 22 và 25 của quận Bình Thạnh đã ra các quyết định cảnh cáo hoặc xử phạt tiền 200.000 đồng đối với người vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng. Qua đó, thể hiện việc xử lý vi phạm hành chính có ý nghĩa răn đe rất lớn đối với những trường hợp hút thuốc lá ở nơi cấm.

Bên cạnh việc phòng chống tác hại thuốc lá ở các đơn vị, nơi công cộng trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng hai phòng tư vấn kết hợp điều trị bằng thuốc để cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Theo kế hoạch, trong năm 2015 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành lập thêm hai phòng tư vấn, điều trị cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn và Bệnh viện Y học cổ truyền, để tạo điều kiện cho người dân được cai nghiện thuốc lá một cách thuận tiện. Ngành y tế cũng đang chuẩn bị thành lập phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá không dùng thuốc tại Trung tâm giáo dục truyền thông sức khỏe Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với việc tăng cường phối hợp với các đơn vị tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá, Sở Y tế thành phố cũng đang đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố thành lập đoàn liên ngành kiểm tra xử phạt các vi phạm về quảng cáo, buôn bán thuốc lá và hút thuốc nơi công cộng. Đây được xem là một trong những biện pháp để thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá một cách căn cơ, triệt để hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục