Sáng 30/5, tại hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), Bộ Y tế đã tổ chức lễ Míttinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25-31/5).
Phát biểu tại buổi lễ, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, cùng với phong trào xây dựng môi trường không khói thuốc lá của các nước trong khu vực và trên thế giới, hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại Việt Nam đang ngày càng được đẩy mạnh. Đến nay đã có 12/22 bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, 40/63 tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo về phòng chống tác hại của thuốc lá.
Môi trường không khói thuốc được mở rộng và củng cố tại các cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ quan công sở. Tỷ lệ hút thuốc lá chung của thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi từ 3,3% vào năm 2007 giảm xuống còn 2,5% trong năm 2014.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học, viện nghiên cứu tham gia vào hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá. Những nỗ lực này một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam khi gia nhập Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Liên hợp quốc.
Tiến sỹ Gabit Ismailov, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO), cho rằng mặc dù trong thời gian qua, Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức tồn tại trong vấn đề này.
Vẫn còn tình trạng người dân vi phạm quy định cấm hút thuốc ở những nơi công cộng, đặc biệt là ở nhà hàng, quán càphê. Trong bối cảnh mức thuế thuốc lá thấp như hiện nay, Việt Nam sẽ không đảm bảo mục tiêu giảm hút thuốc lá theo chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá.
Do đó, WHO kêu gọi Việt Nam thực hiện đầy đủ các quy định về kiểm soát thuốc lá, bao gồm giám sát sử dụng thuốc lá và các chính sách kiểm soát thuốc lá; bảo vệ con người khỏi khói thuốc thụ động; cung cấp các biện pháp hỗ trợ cai thuốc lá; cảnh báo mọi người về tác hại của thuốc lá; thực thi quy định cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá và thực hiện tăng thuế thuốc lá. Những biện pháp này có thể cứu được 16.000 sinh mạng khỏi tử vong do thuốc lá mỗi năm ở Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới hiện nay vẫn còn rất cao 47,4%.
Thuốc lá là một sản phẩm gây nghiện, vì vậy còn rất nhiều người hút thuốc gặp khó khăn trong việc bỏ thuốc. Theo WHO, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi, 75% bệnh nhân mắc bệnh tắc phổi nghẽn mãn tính.
Thực tế cho thấy, hơn 75% các ca tử vong ở Việt Nam hằng năm là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó sử dụng thuốc lá là một nguyên nhân chính. Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng và tổn thất ngày càng to lớn về kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá. Theo ước tính, mỗi năm thuốc lá gây ra khoảng 40.000 ca tử vong sớm và chi phí điều trị bệnh và mất năng suất lao động do thuốc lá gây ra ước tính lên tới hơn 1 tỷ USD mỗi năm.
Trước những tác hại do việc sử dụng thuốc lá, tại buổi lễ míttinh, thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên kêu gọi các cơ quan, đoàn thể tiếp tục có những hoạt động thiết thực xây dựng môi trường không khói thuốc, thực thi nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vì sức khỏe của mỗi người và cả cộng đồng.
Bộ Y tế cũng kêu gọi mọi người dân Việt Nam vì sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng dân tộc Việt Nam, hãy hành động và hưởng ứng không hút thuốc lá, tích cực tham gia phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Ngay sau lễ míttinh, gần 1.000 người đã tham gia đi bộ và đạp xe kêu gọi người dân tích cực tham gia, hưởng ứng phòng chống tác hại của thuốc lá, vì môi trường không khói thuốc./.