Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đang phát triển thực chất và hiệu quả

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đánh giá với sự thực hiện đồng bộ các hoạt động ngoại giao, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ đang phát triển sôi động, thực chất.
Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đang phát triển thực chất và hiệu quả ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành. (Nguồn: TTXVN)

Nhân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 sắp được tổ chức từ ngày 12-17/8 tại Hà Nội, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã trả lời phỏng vấn báo chí về quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, cũng như các hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ trong thời gian qua.

Đại sứ đánh giá với sự thực hiện đồng bộ các hoạt động ngoại giao chính trị, kinh tế và văn hóa, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ đang phát triển sôi động, thực chất và hiệu quả.

Theo Đại sứ Tôn Sinh Thành, hiện có 4 điểm nổi bật trong quan hệ Việt Nam-Ấn Độ trong 2 năm qua. Thứ nhất, quan hệ chính trị và sự tin cậy giữa hai nước được thắt chặt hơn nữa bởi các chuyến thăm cấp cao liên tục giữa hai bên. Trong các chuyến thăm nói trên, hai bên đã ký kết thêm 17 thỏa thuận hợp tác bao trùm trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, quốc phòng-an ninh, y tế, nông nghiệp, công nghệ thông tin…

[Đối thoại quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ thể hiện sự tin cậy chính trị cao]

Thứ hai, hợp tác quốc phòng-an ninh đã được nâng lên tầm cao nhất từ trước tới nay, với việc mở rộng trên tất cả các binh chủng từ hải quân đến không quân, lục quân; nội dung hợp tác không chỉ ở mức độ chia sẻ thông tin, giúp đỡ đào tạo nâng cao năng lực, mua bán vũ khí mà còn tiến tới hợp tác sản xuất thiết bị quân sự. Hai bên cũng đã lần đầu tiên tập trận hải quân chung. Ấn Độ trở thành đối tác quốc phòng quan trọng nhất của Việt Nam.

Thứ ba, quan hệ kinh tế giữa hai nước khởi sắc với kim ngạch thương mại tăng trưởng ấn tượng ở mức trên 40%, từ 5,6 tỷ USD năm 2016 lên đến 7,6 tỷ USD vào năm 2017. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương trong 6 tháng đầu năm 2018 đã đạt 5,44 tỷ USD, tăng 48,02% so với cùng kỳ năm trước, dự báo cả năm sẽ vượt mốc 10 tỷ USD.

Thứ tư, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1972-2017) và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (2007-2017) giữa Việt Nam và Ấn Độ, các hoạt động ngoại giao văn hóa diễn ra sôi động chưa từng có. Bên cạnh sự kiện Những ngày Văn hóa Việt Nam và các triển lãm tranh, ảnh, liên hoan phim, biểu diễn ca mua nhạc diễn ra liên tục, thì lần đầu tiên một Phòng sách Việt Nam được thiết lập và Trung tâm nghiên cứu Việt Nam đã được ra đời tại New Delhi.

Về nguyên nhân dẫn đến sự phát triển ấn tượng về hợp tác kinh tế giữa hai nước, Đại sứ Tôn Sinh Thành khẳng định đây là kết quả của sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của cả hai nước trong thời gian qua. Hiện Ấn Độ vẫn đang giữ vị trí là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đây là tiền đề quan trọng, tạo nhu cầu lớn hơn cho trao đổi kinh tế thương mại giữa hai nước. Không chỉ khối lượng thương mại tăng lên mà các chủng loại mặt hàng trao đổi giữa hai nước cũng được mở rộng từ những mặt hàng nông sản và nguyên vật liệu truyền thống sang những mặt hàng chế tạo, phản ánh xu hướng liên kết ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế trong một chuỗi sản xuất chung đồng thời, việc Hiệp định tự do hóa thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN có hiệu lực từ năm 2015 cũng đem lại những tác dụng nhất định cho thương mại giữa hai nước. 

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến những nỗ lực ngoại giao kinh tế không mệt mỏi của Đại sứ quán trong thời gian qua. Đại sứ quán đã không chỉ liên tục tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, hàng không, mà còn trực tiếp tham gia tháo gỡ các vướng mắc nảy sinh gây cản trở các hoạt động giao thương kinh tế giữa hai nước.

Trong lĩnh vực giao lưu kinh tế, Đại sứ Tôn Sinh Thành nhấn mạnh kết nối đóng vai trò then chốt và sẽ mang lại lợi ích trực tiếp đối với du lịch. Du khách Ấn Độ sang Việt Nam đã tăng từ 85.000 lượt khách năm 2016 lên 110.000 lượt khách năm 2017. Dự báo năm nay con số này có thể đạt 150.000 lượt khách. Nếu có đường bay trực tiếp giữa hai nước, con số này có thể đạt 300.000 lượt người/năm. Nếu tạo được tuyến đường biển trực tiếp giữa Việt Nam và Ấn Độ, thì thương mại giữa hai nước có thể tăng thêm hàng tỷ USD.

Nhờ có những nỗ lực của Đại sứ quán nhằm cải thiện kết nối giữa hai nước, hãng hàng không Vietjet đã chính thức công bố sẽ mở đường bay trực tiếp từ Thành Phố Hồ Chí Minh đi New Delhi từ tháng 10 năm nay. Hãng hàng không Indigo của Ấn Độ cũng đã có kế hoạch mở đường bay trực tiếp sang Việt Nam vào năm tới.

Về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ, Đại sứ Tôn Sinh Thành cho biết đây là kết quả vận động kiên trì của Đại sứ quán cùng với sự ủng hộ tích cực của Lãnh đạo Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Ấn Độ cùng sự nhiệt tâm của các học giả hàng đầu của Ấn Độ. Hiện Trung tâm đã đi vào hoạt động với việc tổ chức hàng loạt các sự kiện như Hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức Đối thoại thanh niên, giảng dạy tiếng Việt, chiếu phim Việt Nam, tọa đàm học giả trẻ về Việt Nam, tổ chức Hội thảo kinh tế Việt-Ấn. Trung tâm có đội ngũ nhà bảo trợ, giám đốc danh dự, Hội đồng cố vấn là các học giả, cựu quan chức và các doanh nhân có tiếng của Ấn Độ.

Đây hiện là trung tâm nghiên cứu về Việt Nam duy nhất tại Ấn Đô, đưa Ấn Độ trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có một trung tâm nghiên cứu riêng về Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam không chỉ tạo nền tảng trao đổi học thuật, kết nối tri thức quan trọng giữa hai nước, mà còn trở thành một kênh quan trọng cho Đại sứ quán triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền đối ngoại.

Đánh giá về triển vọng mối quan hệ Việt-Ấn, Đại sứ Tôn Sinh Thành cho rằng mối quan hệ này có nền tảng rất vững chắc, đó là sự tin cậy thực sự giữa hai nước trên cơ sở sự hội tụ về lợi ích chiến lược và những tiềm năng hợp tác rất to lớn. Đại sứ tin rằng con đường phía trước của mối quan hệ này rộng thênh thang, không có gì ngăn cản được hai nước làm sâu sắc ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ này và đưa quan hệ phát triển thực sự toàn diện hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục