Quyết liệt để hoàn thành tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

Quyết liệt hơn nữa để hoàn thành tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thực hiện quyết liệt hơn nữa để hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch đã đề ra, đặc biệt là cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước.
Quyết liệt hơn nữa để hoàn thành tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Chiều 26/3, tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị giao ban, sơ kết tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước quý 1/2015.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, chủ trì Hội nghị.

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, ngay từ đầu năm, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước đã khẩn trương triển khai thực hiện các đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước được Thủ tướng phê duyệt.

Tính đến ngày 24/3, 289 doanh nghiệp cần hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015 đều đã thành lập Ban Chỉ đạo; trong đó 207 doanh nghiệp đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, 81 doanh nghiệp có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp và 29 doanh nghiệp đã cổ phần hóa.

Những đơn vị thực hiện cổ phần hóa đạt kết quả cao là thành phố Hà Nội 14 doanh nghiêp, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản 4 doanh nghiệp.

Cũng thời gian trên, cả nước đã thoái vốn được 4.937 tỷ đồng, thu về 6.987 tỷ đồng, bằng 1,42 lần giá trị sổ sách. Trong đó, lĩnh vực bất động sản 2.690 tỷ đồng, thu về 3.177 tỷ đồng (chiếm 45% tổng giá trị thu về từ thoái vốn); lĩnh vực bảo hiểm, tài chính 613 tỷ đồng, thu về 622 tỷ đồng; bán phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác là 1.634 tỷ đồng, thu về 3.187 tỷ đồng.

Các đơn vị thực hiện thoái vốn có kết quả tốt như Tập đoàn Viễn thông Quân đội 2.655 tỷ đồng, thu về 3.169 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia 307 tỷ đồng, thu về 1.068 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông 481 tỷ đồng, thu về 526 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực 588 tỷ đồng, thu về 593 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn 276 tỷ đồng, thu về 802 tỷ đồng; tỉnh Bình Dương 149 tỷ đồng, thu về 159 tỷ đồng.

Trong quý 4/2015, 18 doanh nghiệp Nhà nước đã bán đấu giá cổ phần với khối lượng chào bán 100 triệu cổ phiếu; tỷ lệ số cổ phiếu bán được đạt 40%, tổng số tiền thu được 805 tỷ đồng...

Tuy nhiên, quý 1/2015, tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước vẫn tồn tại một số vướng mắc, khó khăn trong việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đến nay chưa được giải quyết như hoàn nhập các khoản dự phòng vào vốn Nhà nước, xác định giá trị những khoản đầu tư dài hạn, giá trị tiền năng, tài sản đã hết khấu hao, định giá lại các khoản đầu tư tài chính tại thời điểm chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần; xác định giá cổ phiếu bán cho người lao động và tổ chức công đoàn đối với những doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần nhưng chưa có điều kiện IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu).

Việc thoái vốn của một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng, công ty tài chính còn chậm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chậm có ý kiến.

Việc bán đấu giá cổ phần theo lộ trình chưa có hướng dẫn... Nguyên nhân của tình trạng này do các bộ, ngành, địa phương chưa tập trung cho việc ban hành cơ chế, chính sách theo đúng kế hoạch đề ra; chưa tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, đặc biệt là cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước; chưa thật sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Nhà nước tiếp thu những ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế và hoàn thiện kế hoạch, nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước từ nay đến cuối năm 2015; đồng thời chủ trì để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém mà doanh nghiệp Nhà nước cần sớm khắc phục trong thời gian tới, trong đó nổi lên là những kết quả mà doanh nghiệp Nhà nước đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng và tổng tài sản nắm giữ; nhiều doanh nghiệp Nhà nước hoạt động đạt hiệu quả thấp, thậm chí có doanh nghiệp thua lỗ; kết quả cổ phần hóa chưa đáp ứng yêu cầu mong muốn; việc thoái vốn ngoài ngành chậm; vốn chủ trương cổ phần hóa thu về để đầu tư vào lĩnh vực khác còn thấp, chưa được như mong muốn...

Trên tinh thần này, Thủ tướng nêu rõ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Chính phủ, do đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp phải thống nhất hành động với quyết tâm cao để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Chỉ đạo nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước cần chỉ đạo, thực hiện quyết liệt hơn nữa để hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch đã đề ra, đặc biệt là cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước.

Cụ thể, đối với 82 doanh nghiệp đã thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, khẩn trương xác định giá trị doanh nghiệp và hoàn thành cổ phần hóa; với 126 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp cần sớm công bố được giá trị doanh nghiệp; với 52 doanh nghiệp đã công bố giá trị doanh nghiệp thì trong quý 2/2015 phải hoàn thành cổ phần hóa.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục đổi mới quản trị và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; ngoài nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp Nhà nước phải thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải niên yết trên thị trường chứng khoán một cách công khai, minh bạch; rà soát, bổ sung danh mục các doanh nghiệp Nhà nước cần phải cổ phần hóa mới và tiếp tục cổ phần hóa đối với những doanh nghiệp chưa đạt tỷ lệ yêu cầu.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước trong tái cơ cấu doanh nghiệp cùng với thực hiện nhiệm vụ sản xuất-kinh doanh được giao; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục