Theo báo cáo nghiên cứu chung giữa Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc và bốn trung tâm nghiên cứu về biến đổi khí hậu, sản lượng dầu, khí đốt và than đá đang nằm trong đường ống hoặc được lên kế hoạch sản xuất sẽ lấn át những nỗ lực hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C, hoặc 1,5 độ C nếu có thể như Hiệp định Paris năm 2015 đã kêu gọi.
Theo báo cáo trên, thế giới đang tiến đến sản xuất lượng nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn 50% so với mức có thể sử dụng mà không làm nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng lên trên các mức tiền công nghiệp hơn 2 độ C.
Mức chênh lệch lớn nhất giữa sản lượng nhiên liệu hóa thạch và mục tiêu của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là ở than đá.
Từ nay đến năm 2030, các nước có kế hoạch sản xuất lượng than đá lớn hơn 150% so với mức phù hợp với mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và mức chênh lệch này sẽ lên đến 280% nếu so với mức đảm bảo mục tiêu 1,5 độ C.
[EIB dừng tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch từ năm 2022]
Đối với dầu mỏ và khí đốt, từ nay đến năm 2040, sản lượng của các nước sẽ cao hơn từ 40-50% so với mức mục tiêu của Hiệp định Paris.
Trong khi đó, một báo cáo của Liên hợp quốc hồi năm ngoái kết luận rằng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu phải giảm 45% từ nay đến năm 2030 và về mức "không khí thải" vào năm 2050 thì mới có thể hạn chế mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C.
Với nhiệt độ Trái Đất chỉ mới tăng 1 độ C tính đến nay, thế giới đã phải trải qua ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như các đợt sóng nhiệt có thể gây chết người, lũ lụt và siêu bão.
Nước biển dâng cao còn khiến mức độ tàn phá của thiên tai ngày càng trầm trọng hơn./.