Bổ nhiệm một bộ trưởng năng lượng mới luôn là tin tức thu hút sự chú ý ở Saudi Arabia, song việc Hoàng tử Abdul Aziz bin Salman đảm nhiệm cương vị này thậm chí còn được dư luận quốc tế quan tâm sát sao hơn rất nhiều.
Trong bối cảnh Saudi Arabia đang trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng để hướng tới mục tiêu xây dựng một tương lai đất nước không phụ thuộc vào dầu mỏ, thị trường “vàng đen” toàn cầu lại phải đối mặt với những bất ổn về nguồn cung, giá cả và hướng tới các lựa chọn thay thế phi dầu mỏ.
Giới phân tích cho rằng hoàng tử Abdul Aziz có thể là “liều thuốc giải” trong thời điểm không chắc chắn này của thị trường dầu mỏ.
Việc ông đảm nhiệm cương vị mới sẽ trấn an thị trường và mang lại hy vọng cho giới trẻ Saudi có mong ước được chứng kiến những chính sách chuyển mình bước ngoặt của quốc gia vùng Vịnh này.
[Thị trường dầu thế giới biến động sau cam kết của Saudi Arabia]
Trong Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia, vai trò của bộ trưởng năng lượng có tác động không nhỏ đối với cán cân tài khóa, chính sách công nghiệp và đa dạng hóa nền kinh tế. Là nhà xuất khẩu “vàng đen” lớn nhất thế giới, chính sách năng lượng của Saudi Arabia có ảnh hưởng quan trọng đối với quốc gia này và phần còn lại của thế giới.
Mọi quyết định của Bộ Năng lượng đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu xuất khẩu dầu khí quốc gia. Vì vậy, các mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế trong Tầm nhìn 2030 sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự thành công của các quyết sách dầu mỏ.
Trước Hoàng tử Abdul Aziz, đã có 5 bộ trưởng dầu mỏ Saudi Arabia (tiền thân của Bộ Năng lượng sau này) nổi tiếng trên trường quốc tế.
Đáng chú ý có Abdullah Al-Turaiqi, Bộ trưởng dầu mỏ đầu tiên của Saudi Arabia và là một kỹ sư dầu khí được đào tạo tại Mỹ. Ông là người đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và khởi đầu các cuộc thảo luận về kiểm soát nhà nước đối với sản xuất và phân phối dầu mỏ.
Bộ trưởng thứ hai, Ahmed Zaki Yamani, gương mặt nổi bật không kém trong OPEC và là một nhân vật quốc tế đầy cá tính.
Ông chủ trì công cuộc quốc hữu hóa từng bước Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Saudi Aramco và thành lập ngành công nghiệp hóa dầu Saudi. Các bộ trưởng kế nhiệm sau này cũng để lại những dấu ấn nội địa và trên thị trường năng lượng thế giới.
Tuy nhiên, dù có nổi bật và có quyền lực đến đâu thì cuối cùng, các bộ trưởng dầu mỏ cũng đều thực thi các chính sách năng lượng quốc gia chung dưới sự dẫn dắt của Quốc vương và Hoàng tử Saudi Arabia.
Do đó, Hoàng tử Abdul Aziz sẽ có nhiều lợi thế khi đã tham dự sâu vào những cuộc trao đổi này trong nhiều thập kỷ qua, thậm chí có vai trò quan trọng trong việc định hình chúng.
Saudi Arabia đang trên đỉnh chóp của thực tại khi những quyết định được đưa ra trong thời điểm này sẽ ảnh hưởng tới tương lai đất nước, trong đó có kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Tập đoàn Aramco và các chính sách đa dạng hóa nền kinh tế. Không giống như các quốc gia khác, đa dạng hóa ở Saudi Arabia là một quá trình phức tạp có ít nhất bốn ý nghĩa căn bản.
Đầu tiên, đa dạng hóa nền tảng kinh tế khỏi sự thống trị của ngành công nghiệp dầu khí sẽ cần sự tham gia của các lĩnh vực khác như sản xuất và dịch vụ.
Thứ hai là đa dạng hóa xuất khẩu. Hiện tại, dầu mỏ chiếm hơn 90% nguồn thu của Saudi Arabia và Tầm nhìn 2030 hướng tới giảm mạnh tỷ trọng đó.
Thứ ba, đa dạng hóa ở quốc gia này đồng nghĩa với đa dạng hóa nguồn thu của chính phủ, từ mức gần như phụ thuộc hoàn toàn vào dầu mỏ sang kết hợp hài hòa giữa dầu mỏ và các nguồn thu ngoài dầu mỏ, nhằm tránh những biến động tài chính một khi thị trường “vàng đen” bất ổn.
Thứ tư là đa dạng hóa trong chính cán cân năng lượng của Riyadh, từ nhiên liệu hóa thạch cho đến năng lượng tái tạo.
Tất cả bốn cấp độ đa dạng hóa này đều liên quan chặt chẽ đến vị trí của bộ trưởng năng lượng.
Hoàng tử Abdul Aziz rất thành thạo trong tất cả các cấp độ này và việc ông đảm nhiệm cương vị mới sẽ có tác động tích cực đến triển vọng Saudi Arabia đạt được các mục tiêu đa dạng hóa trong khung thời gian do Tầm nhìn 2030 đặt ra.
Việc triển khai kịp thời Tầm nhìn 2030 là rất quan trọng. Hoàng tử Abdul Aziz sẽ không có nhiều thời gian và phải bắt tay ngay vào nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, những kỳ vọng đối với tân bộ trưởng là rất cao khi ông là người có trình độ và đã tham gia vào các quyết sách dầu mỏ của Saudi Arabia trong một thời gian dài. 30 năm qua, Hoàng tử Abdul Aziz đã giữ vai trò cố vấn và sau đó là Trợ lý Bộ trưởng Dầu mỏ.
Năm 2017, ông được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề dầu mỏ. Trước khi tham gia Bộ Dầu mỏ năm 1987, ông là nhà nghiên cứu tại trường Đại học Dầu khí và Khoáng sản King Fahd của Saudi Arabia.
Một trong những thành tựu ít được biết đến nhưng cực kỳ quan trọng của Hoàng tử Abdul Aziz là thành lập Trung tâm Hiệu quả Năng lượng Saudi Arabia.
Cơ quan này được thành lập vào năm 2010 nhằm thúc đẩy các chính sách bảo tồn và sử dụng hiệu quả năng lượng.
Hiện, tiêu thụ năng lượng ở Saudi Arabia đang gia tăng ở mức đáng báo động, vượt xa tốc độ tăng trưởng dân số và phát triển kinh tế.
Theo trung tâm này, khoảng 38% sản lượng dầu mỏ và khí đốt của Saudi Arabia hiện được dành để tiêu thụ nội địa. Phần lớn trong số đó đã bị lãng phí vì sử dụng không hiệu quả và các quy trình sản xuất đã lỗi thời.
Trên quy mô toàn cầu, Hoàng tử Abdul Aziz là một tên tuổi nổi tiếng của thị trường năng lượng thế giới.
Ông đã chứng kiến nhiều thăng trầm trên thị trường dầu mỏ, từ mức dưới 10 USD/thùng trong giai đoạn cuối thập niên 1990 cho đến hơn 160 USD/thùng hồi năm 2008.
Với vai trò Bộ trưởng Năng lượng của Saudi Arabia, ông sẽ quan tâm nhiều hơn đến các chính sách dầu mỏ dài hạn có lợi cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. “Thể trạng” kinh tế của Saudi Arabia sẽ là “chìa khóa” quan trọng tác động tới năng lực xuất khẩu và giá “vàng đen” toàn cầu.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà vị tân bộ trưởng năng lượng này phải đối mặt là giải quyết tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Cuộc họp giữa các Bộ trưởng Dầu mỏ OPEC và các đối tác chủ chốt (còn gọi là nhóm OPEC+) tại thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào ngày 12/9 sẽ là diễn đàn lớn của Bộ trưởng Abdul Aziz trên cương vị mới.
Cuộc họp sẽ hướng tới việc thảo luận về tình trạng ảm đạm trên thị trường dầu mỏ hiện nay, bất chấp các nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+ và nguồn cung suy giảm ở Venezuela, Libya và Iran./.