Sóc Trăng: Rộn ràng Ngày hội sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước

Đến với Lễ hội sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước năm nay, du khách gần xa được chiêm ngưỡng và thưởng thức hơn 30 loại trái cây đặc sản của vùng.
Sóc Trăng: Rộn ràng Ngày hội sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước ảnh 1Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng cùng các sở, ban, ngành tham quan gian hàng trưng bày cây ăn trái tại Lễ hội sông nước miệt vườn ở Cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách. (Ảnh Tuấn Phi/TTXVN)

Ngày hội sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước có 16 gian hàng, trưng bày gần 10 tấn trái cây đa dạng chủng loại từ nhãn, sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt, cam sành, nhãn tím đến các loại trái thốt nốt, ca cao, dừa, chuối, lêkima...

Sản phẩm phong phú, chất lượng, mẫu mã đẹp và sự trau chuốt về khâu trang trí đã thu hút sự tham quan, mua sắm của đông đảo du khách.

Chị Võ Thị Minh Trâm, du khách đến từ thành phố Cần Thơ, cho biết với không khí trong lành, thoáng mát nên hằng năm vào dịp mùng 5/5 Âm lịch, gia đình thường đến tham quan và tận hưởng nhiều loại trái cây ngon như vú sữa tứ quý, nhãn tím, cacao...

Ngày hội sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước là hoạt động văn hóa thường niên được huyện Kế Sách tổ chức vào đúng dịp tết Đoan ngọ mùng 5/5 Âm lịch với mục đích quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch sinh thái miệt vườn, thu hút các nhà đầu tư đến khai thác du lịch.

Lễ hội năm nay được Ủy ban Nhân dân huyện Kế Sách phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức vào hai ngày 21-22/6 (tức mùng 4-5 âm lịch).

Tham dự lễ hội có lãnh đạo Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, lãnh đạo sở, ban, ngành, các địa phương và đông đảo bà con nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.

[Để ngành du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh]

Cồn Mỹ Phước nằm giữa sông Hậu có đường kính khoảng 600m, chiều dài khoảng 5km, diện tích tự nhiên hơn 1.020ha, hiện có 540 hộ và 1.280 người dân.

Cồn Mỹ Phước được thiên nhiên ưu đãi, nước ngọt quanh năm, đất đai màu mỡ, người dân sinh sống chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong đó trồng cây ăn trái là thế mạnh, với diện tích gần 400ha, trồng các loại như hồng xiêm, măng cụt, sầu riêng...

Nằm trong khuôn khổ của ngày hội năm nay, hoạt động triển lãm, trưng bày và hội thi trái cây ngon được xem là nội dung chính, luôn hấp dẫn đối với khách tham quan.

Đến với lễ hội, du khách gần xa được chiêm ngưỡng và thưởng thức hơn 30 loại trái cây của miệt vườn sông nước.

Sóc Trăng: Rộn ràng Ngày hội sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước ảnh 2Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng cùng các sở, ban, ngành tham quan gian hàng trưng bày cây ăn trái tại Lễ hội sông nước miệt vườn ở Cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách. (Ảnh Tuấn Phi/TTXVN)

Năm nay, ngoài các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kế Sách chuẩn bị khá chu đáo, đảm bảo về số lượng, đa dạng về chủng loại thì có thêm 1 gian hàng của huyện Phú Giao (Bình Dương) với những loại cây ăn trái đặc trưng của địa phương mang đến cho ngày hội đầy đủ sắc màu cây ăn trái.

Theo ông Cao Minh Thơm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kế Sách, lễ hội đã thật sự phát huy được hiệu quả tích cực, giúp kết nối, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ du lịch miệt vườn sông nước.

Lễ hội tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ trái cây và là dịp gặp gỡ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để trao đổi, nâng cao chất lượng cây trồng.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân huyện Kế Sách đang quy hoạch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái với đặc trưng sông nước miệt vườn.

Cồn Mỹ Phước là vùng đất cây lành trái ngọt, được người dân cả nước nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long biết đến qua các hoạt động của lễ hội sông nước miệt vườn.

Người dân Mỹ Phước còn khai thác thế mạnh của cây ăn trái để xây dựng các sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị hàng nông sản, tăng thu nhập cho nhà vườn.

Mấy năm gần đây, nơi đây còn phát triển thêm ngành nghề du lịch sinh thái được nhiều du khách đến tham quan và đánh giá cao.

Hiện nay, đa phần du khách đến với ngày hội là khách nội tỉnh. Sóc Trăng cần có thêm nhiều giải pháp, đặc biệt là trong khâu tuyên truyền, quảng bá để thu hút khách ngoài tỉnh, biến lễ hội thành sản phẩm du lịch độc đáo của sông nước miệt vườn huyện Kế Sách nói riêng, tỉnh Sóc Trăng nói chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục