Trong thư riêng gửi tới hãng tin AFP, Sony cho biết sẽ mang các máy trò chơi điện tử PlayStation tới Trung Quốc thông qua hai dự án đầu tư liên doanh.
Hồi tháng Một năm nay, Trung Quốc đã chính thức cho phép việc bán các máy chơi game Play Station trong khu vực tự do thương mại (FTZ) đầu tiên của nước này thành lập ở Thượng Hải, qua đó mở cửa một thị trường ước tính 500 triệu game thủ ra với các công ty nước ngoài như Sony, Microsoft và Nintendo.
Công ty du lịch và văn hóa có trụ sở ở Thượng Hải là Oriental Pearl nói rằng sẽ lập hai dự án liên doanh với Sony tại FTZ. Một công ty sẽ bán phần cứng và công ty còn lại xử lý phần mềm, dịch vụ. Sony sẽ chiếm 49% vốn trong một công ty và 70% vốn trong công ty còn lại.
Oriental Pearl nói rằng hoạt động đầu tư của Sony sẽ giúp mang tới "các sản phẩm trò chơi điện tử có chất lượng và lành mạnh" với game thủ Trung Quốc.
"Chất lượng và lành mạnh" là một trong nhiều yêu cầu mà nhà chức trách đặt ra cho các sản phẩm điện tử được bán tại nước này. Một số quan chức trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử lo ngại các quy định, dùng để kiểm duyệt các nội dung game mà Trung Quốc coi là quá bạo lực, khiêu dâm hoặc nhạy cảm chính trị, cũng có thể trở thành rào cản thương mại tiềm năng.
Tuy nhiên việc này không ngăn các công ty trò chơi điện tử lớn đổ vào Trung Quốc. Đối thủ của Sony là Microsoft tuyên bố hồi cuối tháng Tư rằng sẽ bắt đầu bán các máy Xbox One ở Trung Quốc từ tháng Chín, thông qua một dự án liên doanh ở FTZ.
Theo một ước tính, doanh thu thường niên từ các hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử ở Trung Quốc đã tăng 38% mỗi năm lên mức 83,2 tỷ Nhân dân tệ trong năm 2013. Tuy nhiên thống trị thị trường hiện vẫn là các trò chơi trực tuyến.
Các nhà phân tích tin rằng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ không muốn trả giá cao để mua các máy chơi game của nước ngoài và phần mềm có bản quyền, đặc biệt nếu như các sản phẩm này chậm tới thị trường Trung Quốc./.