Sputnik: Doanh nghiệp Việt tại Nga vượt khó, xây dựng hình ảnh đẹp

Bất chấp khó khăn, nhiều doanh nghiệp Việt tại Nga bằng nỗ lực đã ổn định tổ chức sản xuất, trả lương đầy đủ và đúng hạn cho nhân viên, đồng thời tham gia tích cực vào hoạt động phòng chống COVID-19.
Sputnik: Doanh nghiệp Việt tại Nga vượt khó, xây dựng hình ảnh đẹp
Sputnik: Doanh nghiệp Việt tại Nga vượt khó, xây dựng hình ảnh đẹp ảnh 1Doanh nghiệp Việt tại Nga đã nỗ lực ổn định sản xuất, trả lương đầy đủ cho người lao động. (Ảnh: Trần Hiếu/TTXVN)

Theo bài viết của hãng tin Sputnik của Nga, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là thử thách rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga. Chưa bao giờ, các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn như vậy trong hơn nửa năm qua, nhưng họ vẫn đứng vững, tiếp tục hoạt động và giữ được hình ảnh đẹp.

Công ty Novostil hoạt động từ năm 2009, chủ yếu trong lĩnh vực may mặc. Vào thời điểm nước Nga ở giai đoạn đỉnh dịch COVID-19, Novostil sản xuất từ 100.000-150.000 khẩu trang/ngày.

Cũng như các doanh nghiệp sản xuất khác của người Việt tại Nga, khi dịch bệnh bùng phát, Novostil gặp nhiều khó khăn do nguồn cung nguyên vật liệu từ Việt Nam và Trung Quốc bị gián đoạn, bao gồm vải, phụ liệu, trang thiết bị thay thế, trong khi thị trường tiêu thụ truyền thống bị thu hẹp.

Ông Đỗ Cảnh Hưng, sáng lập kiêm Giám đốc công ty Novostil, cho biết thị trường tiêu thụ bị "đóng băng" dẫn đến công ty không có đầu ra.

Thực tế cho thấy khách hàng của các doanh nghiệp người Việt tại Nga đều lâm vào tình trạng khó khăn chung là không tiêu thụ được hàng dẫn đến mất khả năng thanh toán cho công ty.

Ngoài ra, công ty còn phải đối mặt với tâm lý hoang mang của người lao động, cả về sức khỏe và thu nhập. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhất là việc không có đầu ra để duy trì sản xuất, trong khi vẫn phải đóng thuế cho nhà nước, trả tiền điện, nước, chi phí thuê mặt bằng sản xuất.

Ông Đào Đại Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhà hàng Nem Nem ở trung tâm thành phố St. Petersburg, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Quốc tế và Logistic Amber Tour, cho biết hệ thống nhà hàng, dịch vụ ăn uống và các công ty du lịch của người Việt tại Nga bị ảnh hưởng nặng nề trước đại dịch COVID-19.

Khi đường bay dừng, du khách Việt Nam sang Nga du lịch cũng không còn, do đó công ty phải bù lỗ sâu tương tự như nhiều doanh nghiệp khác.

[Doanh nghiệp Việt tại Liên bang Nga vượt qua cơn bão COVID-19]

Theo Sputnik, trong hơn nửa năm duy trì sản xuất và hoạt động trong điều kiện dịch COVID-19 hoành hành ở Nga, nhiệm vụ số một của các doanh nghiệp Việt Nam tại đây là đảm bảo tuyệt đối an toàn và phòng tránh lây nhiễm bệnh bằng cách thực hiện tốt những khuyến cáo và có các biện pháp hiệu quả như cách ly, dùng nước sát khuẩn tay, đeo khẩu trang...

Bên cạnh đó, tích cực tìm đầu ra, tạo công ăn việc làm cho công nhân viên; mở rộng đối tượng khách hàng, đa dạng chủng loại hàng hóa để đứng vững trong giai đoạn dịch bệnh và bắt nhịp kịp thời sau đại dịch.

Giám đốc Novostil, ông Đỗ Cảnh Hưng, cho biết công ty đặc biệt chú trọng việc nâng cao sức khỏe của người lao động, đảm bảo tốt an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, phát huy truyền thống cần cù, vượt khó của người Việt Nam, Novostil đã nhận hợp đồng may khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết của nước Nga.

Không chỉ Novostil, cách vượt khó của nhà hàng Nem Nem tại St. Petersburg cũng là một điển hình mà nhiều doanh nghiệp dịch vụ ăn uống của người Việt áp dụng. 

Ông Đào Đại Hải chia sẻ nhà hàng Nem Nem đã đẩy mạnh và tăng chi phí quảng cáo qua mạng xã hội, các kênh dịch vụ Internet lên tầm toàn quốc nhằm thu hút khách du lịch nội địa toàn Nga; cộng tác với các công ty quảng cáo; giảm bớt chi phí tổ chức sự kiện và quảng cáo qua truyền thông.

Bên cạnh đó, nhà hàng còn chia thành 2 khu vực cao cấp và bình dân nhưng bán đồng giá, thậm chí mở nhiều đợt giảm giá sâu cho khách hàng. Ngoài ra, chuyển chế độ lương của nhân viên sang chế độ lương cứng và thưởng theo doanh số, theo giờ làm việc tăng cường.

Về giải pháp nhằm duy trì hoạt động của Công ty Lữ hành quốc tế và Logistic Amber Tour, ông Đào Đại Hải cho biết đơn vị này đã nỗ lực tối ưu chi phí thuê kho bãi, văn phòng. Một số vị trí làm việc không thực sự hiệu quả được động viên chuyển sang chế độ làm dịch vụ cho các công ty cùng ngành, làm việc theo sản phẩm.

Trong đại dịch, bất chấp khó khăn, nhiều doanh nghiệp Việt tại Nga bằng mọi nỗ lực đã ổn định được tổ chức sản xuất, vẫn trả lương 100% và đúng thời hạn cho công nhân, nhân viên.

Không những thế, các công ty như Novostil, Amber Tour, Ấn tượng Nga, công ty cổ phần Đồng Xanh và nhiều doanh nghiệp khác còn tích cực hoạt động từ thiện.

Họ tham gia tích cực những đợt quyên góp, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch do Đại sứ quán Việt Nam tại Nga tổ chức, như ủng hộ tiền để mua trang thiết y tế tặng tỉnh Vĩnh Phúc hoặc tặng quần áo, tiền cho các trại trẻ mồ côi ở Nga.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành những thành viên của Ban chống dịch cộng đồng. Họ giúp đỡ, động viên những người bệnh, tìm hiểu, phân tích và tư vấn cho cộng đồng định cư, sinh viên và công nhân về ứng xử tự bảo vệ bản thân trong thời gian đại dịch cho từng giai đoạn...

Bài viết kết luận các doanh nghiệp Việt Nam đã vượt trở ngại, thách thức, đồng hành và chia sẻ khó khăn cùng người dân Nga và nước Nga.

Người dân Nga đánh giá rất cao sự giúp đỡ tận tâm, chân thành của doanh nghiệp Việt Nam tại "xứ sở Bạch Dương" và hình ảnh đẹp của cộng đồng doanh nghiệp Việt tại Nga trong đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục