Tai nạn xe khách: Nỗi ám ảnh trên mọi cung đường

Cảnh tượng nhà xe và hành khách “đánh đu” cùng “tử thần” luôn là nỗi lo thường trực ám ảnh cho các hành khách, mỗi khi bước lên xe.
Liên tiếp trong những tháng vừa qua, trên địa bàn cả nước đã liên tục xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đối với xe khách, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Với mỗi hành khách, khi lên xe, cảnh tượng nhà xe và hành khách “đánh đu” cùng với “tử thần” qua từng cung đường là một thực trạng hiện hữu từ lâu nay. Ranh giới mong manh của sự sống và cái chết phụ thuộc rất nhiều vào việc chấp hành luật pháp và đạo đức của lái xe cũng như sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của cơ quan chức năng. Bài 1: “Cuộc đua tử thần” Những người dù bàng quan nhất cũng không thể không bàng hoàng và rùng mình về các vụ tai nạn xe khách, thậm chí xảy ra với tần suất hàng tuần (tính từ tháng 3/2013 - PV), được đăng tải trên các phương tiện truyền thông thời gian qua.   Trên mỗi chuyến đi, qua các cung đường đất nước, những màn rượt đuổi, đua tốc độ hãi hùng theo đúng nghĩa đen của đa số cánh tài xế để chứng tỏ bản lĩnh của một tay đua “cự phách” luôn khiến hành khách ngồi trên xe chỉ biết nguyện cầu “thần chết” đừng cướp đi sinh mạng bởi “linh hồn” của họ đã được gửi gắm hoàn toàn vào lái xe. Và sau mỗi vụ tai nạn, những giọt nước mắt, nỗi đau tận cùng của sự chia ly giữa người đã chết và người sống vẫn luôn dai dẳng đeo bám suốt cuộc đời chì vì phút lầm lỡ của người cầm vô lăng. Sâu thẳm trong lương tâm, họ chỉ dám thốt lên cụm từ “giá như..." “Chạy chậm, không có cơm mà ăn” Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, những tháng vừa qua, số người bị chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm trước. So với tháng 5/2012, số vụ tai nạn giảm 82 vụ (3,29%) nhưng số người chết tăng 16 người (2,04%), giảm 116 người bị thương (4,47%), chủ yếu là do các tai nạn đặc biệt nghiêm trọng gây ra mà nguyên nhân cụ thể chủ yếu liên quan đến xe khách. Cụ thể, cả nước có 7 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết 32 người, bị thương 29 người. Chỉ trong ngày 11/5, đã xảy ra 2 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng giữa xe khách và xe tải tại hai tỉnh Long An và Bình Thuận, làm chết 14 người, 16 người bị thương. Và mới đây, những ngày đầu tháng Sáu, 3 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã làm 16 người thiệt mạng tại các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu. [5 tháng, số người chết vì tai nạn giao thông gia tăng] Đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, các vụ tai nạn xe khách chủ yếu liên quan đến xe chạy đường dài và diễn ra vào ban đêm hoặc rạng sáng mà hậu quả của các vụ lật xe, xe lao xuống vực, đấu đầu xe này là rất thảm khốc. Đa số người đã đi xe khách đều thừa nhận, mỗi khi xe xuất bến chạy trên đường, lái xe vừa rồ ga, luồn lách vượt các xe tải, xe container đi cùng chiều. Nhiều đoạn đường hẹp, xe container không chịu nhường đường, hai lái xe cùng chạy song song nhau. Thậm chí, ở những đoạn đường ghồ ghề, tài xế vẫn cho xe chạy tốc độ cao làm tất cả các “Thượng đế” chỉ còn nước … nín thở cầu nguyện. Trên thực tế, hầu hết các xe khách xuất bến với hành trình dài từ 300km trở lên đều là vào lúc tối hoặc đêm. Mặc dù biết đi xe khách đêm là nguy hiểm, đặc biệt là đi trên những chiếc xe đua tốc độ, nhưng hầu như, hành khách vẫn “khoái” đi đêm vì vừa tranh thủ ngủ, đỡ tắc đường, rút ngắn thời gian đi lại. Cả một lộ trình dài ngồi xe, ai không thấy mệt mỏi thì cũng cố gắng chợp mắt ngủ để quên bớt âu lo, mong sớm được đến nơi "bình an vô sự". Lái xe Nguyễn Văn Thắng, ở Hoa Lư (Ninh Bình), người có thâm niên chạy tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, đã là dân trong nghề, chưa có một tài xế nào mà không vi phạm tốc độ, nhất là xe khách đường dài. Chỉ khi nào đến chốt kiểm soát của cảnh sát giao thông, các xe khách đều có “chiêu” thông báo cho nhau bằng cách nháy đèn xi nhan hoặc đèn pha để hãm tốc độ theo đúng luật. “Không chỉ chặng đường dài mà đường ngắn cũng vậy, các tài xế thường chạy với tốc độ kinh hoàng. Nhiều đoạn đường quy định xe khách từ 30 chỗ ngồi trở lên chỉ được phép chạy tối đa là 60km, thế nhưng, cánh tài xế ít khi chạy dưới 100km và lúc nào cũng sẵn sàng vượt tất cả các loại xe trên đường,” anh Thắng tâm sự. Bên cạnh đó, anh Thắng cũng thừa nhận, thời gian mới vào nghề, do chưa thông thuộc đường xá và chưa có kinh nghiệm, anh cũng chấp hành nghiêm luật. Và phải mất 3 tháng cầm lái, anh mới có đủ dũng khí và can đảm cũng như thực tế kinh nghiệm trên đường để có thể trở thành tay đua “cự phách” mỗi khi cầm vô lăng. “Chủ xe khoán giờ, xếp lốt [lộ trình giờ xuất bến – PV], doanh thu nên nếu chạy chậm, không kịp xếp tài quay đầu thì ‘không có cơm mà ăn’ cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến đa phần lái xe khách ‘đánh đu’ với ‘thần chết’ trên đường,” anh Thắng thành thật.
Tai nạn xe khách: Nỗi ám ảnh trên mọi cung đường ảnh 1
Vì lợi nhuận, nhiều lái xe "đặt cược" tính mạng của hành khách với tử thần. (Ảnh: TTXVN)
Đồng tình quan điểm đó, anh Vũ Xuân Tân, người có thâm niên lái xe tuyến Hà Nội-Nho Quan hơn 5 năm trong nghề thở dài ngao ngán khi chính xe của anh đã gây nên vụ tai nạn giao thông khiến một người đi đường bị chấn thương sọ não, mà đến giờ anh vẫn bị ám ảnh tâm lý và không đủ can đảm để cầm lái. Anh Tân kể, 10 năm cầm lái, ngồi trên vô lăng nhiều loại xe, anh luôn lái thận trọng trên đường. Nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, anh chuyển sang lái xe khách. Từ ngày đó, đôi mắt tài xế cứ phải căng ra để quan sát, chèn ép, giành giật khách trên đường, trốn cảnh sát giao thông để kiếm lợi nhuận cao. “Lái xe khách dù có thâm niên hay lương tâm yêu nghề đến đâu thì mức khoán chính là con dao hai lưỡi dính chặt vào cuộc đời lái xe, bởi không cạnh tranh với nhà xe khác thì sẽ phải nghỉ việc,” anh Tâm thở dài.
Lái xe như lao động “chợ người”
Nhiều quan chức đầu ngành giao thông nhận định, các vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra hầu hết đều do lái xe chủ quan, chạy quá tốc độ cho phép; tránh, vượt sai quy định, phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách, chạy quá số giờ quy định, quá giờ cầm vô lăng không nghỉ ngơi, dẫn đến căng thẳng và gây tai nạn. Điều này càng cho thấy, những “cuộc đua tử thần" của xe khách trên đường là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng cho thấy, trên 90% nguyên nhân của những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng từ đầu năm đến nay là do chủ quan của người lái xe. [Vụ xe đâm vào vách núi: Đã có 7 nạn nhân tử vong] Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam cho rằng, nguồn gốc của những tai nạn giao thông thảm khốc trong thời gian qua là do cả doanh nghiệp và nhà nước chưa có sự thay đổi cách nhìn nhận, cách quản lý, sử dụng đội ngũ lái xe. Lý giải điều này, ông Hùng bộc bạch, trong những năm qua, các doanh nghiệp quản lý đội ngũ lái xe này rất thiếu chặt chẽ và coi họ như đối tượng ở “chợ lao động”, làm việc theo thời vụ. Khi cần, chủ xe gọi đi lái, không cần thì cho nghỉ ở nhà. Do đó, đội ngũ lái xe không gắn bó với nghề. “Lái xe không được làm việc quá 10 tiếng một ngày, không được cầm vô lăng liên tục quá 4 tiếng. Rõ ràng khi chạy đường dài thì phải có trạm dừng nghỉ để thay lái xe. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không quan tâm đến việc này, để cho một lái một xe chạy liên tục 18-20 tiếng trong một ngày thì rất dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vậy nên, Nhà nước và doanh nghiệp phải quan tâm đến vấn đề này,” ông Hùng đưa ra lời khuyên. Đề cập đến chế tài xử phạt đã đủ sức răn đe người vi phạm, ông Hùng khẳng định, mức phạt Luật giao thông hiện nay là quá cao, vượt quá thu nhập bình quân của người lao động nhưng quan trọng là người thừa hành công vụ thực hiện việc đó có nghiêm hay không? Vấn đề ở đây, lực lượng chức năng xử lý không nghiêm, không minh bạch cho nên pháp luật bị “nhờn.” Tại cuộc họp khẩn của Bộ Giao thông Vận tải sau khi liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong tháng Sáu này, Bộ Giao thông sẽ tổ chức họp với các tỉnh/thành phố và các Sở Giao thông để tăng cường quản lý Nhà nước của các địa phương, đặc biệt là của địa phương với doanh nghiệp trong việc thiết lập quản lý điều kiện kinh doanh vận tải hành khách và bàn thảo trách nhiệm của doanh nghiệp, của địa phương, cũng như xử lý những lái xe vi phạm. Đề cập về trách nhiệm của cơ quan chủ quản và người quản lý an toàn liên quan đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhìn nhận: “Tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu do ý thức của người lái xe chứ không phải là do trình độ hay vấn đề về thiết bị, phương tiện kém. Bộ Giao thông sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước và xử lý những cá nhân, tập thể không chấp hành luật, làm ảnh hưởng đến tài sản của nhân dân. Bộ sẽ xử lý những cán bộ, đơn vị có những vi phạm liên quan đến công tác quản lý dẫn tới tai nạn.”/. Bài 2: “Giải mã” những “hung thần”
Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục