Tăng cường kiểm tra, giám sát các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước với các tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt là giám sát tài chính, giám sát đầu tư.
Tăng cường kiểm tra, giám sát các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước ảnh 1Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Chiều 8/1, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác của Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và phát biểu chỉ đạo.

Theo Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, năm 2021, dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, nhiều người lao động mất việc làm, giảm việc làm, giảm thu nhập.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ Đảng, Chính phủ giao phó. Ủy ban đã làm tốt công tác tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu được Chính phủ giao; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19…

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, Ủy ban đã cùng 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban nỗ lực phấn đấu, tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ "mục tiêu kép," vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.

Tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty ước đạt 99% kế hoạch (816.015 tỷ đồng, bằng 107% so với năm 2020); tổng lợi nhuận trước thuế ước vượt 70% kế hoạch; tổng nộp ngân sách ước vượt 27% kế hoạch (62.443 tỷ đồng, bằng năm 2020).

Trong đó, 13 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 14 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 14 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách.

Một số tập đoàn, tổng công ty đã có nhiều nỗ lực, đạt lợi nhuận vượt trội so với những năm trước (Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Càphê Việt Nam).

Xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu, Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty đã có rất nhiều giải pháp chủ động, linh hoạt ứng phó với dịch bệnh để bảo đảm nguồn nhân lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục; đồng thời triển khai tích cực, chủ động thu xếp nguồn vaccine và tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho cán bộ, nhân viên của các đơn vị (95% đã tiêm đủ 2 mũi).

Đặc biệt, Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty đã tích cực hưởng ứng, tham gia các chương trình hỗ trợ cộng đồng, triển khai các chỉ đạo của Chính phủ trong các chương trình như hỗ trợ cước phí, nhắn tin ủng hộ Quỹ phòng, chống COVID-19, thực hiện hoạt động vận chuyển miễn phí máy móc, thuốc men, bác sỹ và lực lượng phòng, chống dịch, tham gia chương trình “Sóng và Máy tính cho em.”

Tăng cường kiểm tra, giám sát các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước ảnh 2Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tháng 6/2021, hưởng ứng chương trình phát động ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban đã đóng góp được 2.360 tỷ đồng.

Ủy ban cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong phát triển kết cấu hạ tầng tạo động lực tăng trưởng, triển khai nhiều dự án trọng điểm, có ý nghĩa; xử lý bước đầu có kết quả một số “đại dự án” tồn tại từ nhiều năm qua; chủ động triển khai Chiến lược chuyển đổi số tại các tập đoàn, tổng công ty; thực hiện vai trò dẫn dắt trong xây dựng hạ tầng số, phát triển kinh tế số…

[Thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó cho 19 tập đoàn, công ty]

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, năm 2021, nước ta phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, đã tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội đất nước. Những doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, nhờ có sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, phản ứng chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, chúng ta đã đạt được thành tựu rất đáng ghi nhận.

Trong những kết quả đó, có sự đóng góp quan trọng của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban. Những kết quả đã đạt được là cơ sở, nền tảng để chúng ta có thể lạc quan và kỳ vọng một bức tranh kinh tế tươi sáng hơn trong năm 2022.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận, tuy mới đi vào hoạt động được gần 3 năm, nhưng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định tổ chức, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, ngày càng chuyên nghiệp, trưởng thành.

Trong bối cảnh đất nước chịu tác động rất tiêu cực của dịch COVID-19, Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty đã có nhiều giải pháp chủ động, linh hoạt để vừa ứng phó với dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy kết quả đạt được chưa thực sự đồng đều giữa 19 doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhưng về tổng thể, tổng doanh thu năm 2021 ước tăng 7% so với năm 2020, tổng lợi nhuận trước thuế ước vượt 70% kế hoạch, tổng nộp ngân sách ước vượt 27% kế hoạch, đây là kết quả rất lớn, rất đáng ghi nhận.

Tăng cường kiểm tra, giám sát các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước ảnh 3Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng các cá nhân. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao các doanh nghiệp thuộc Ủy ban đã tham gia rất tích cực vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm an sinh xã hội như đóng góp, ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19; chủ động triển khai nhiều hoạt động từ thiện, chương trình an sinh xã hội góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống của người dân; huy động cơ sở vật chất, kỹ thuật, hỗ trợ nhân lực, vật lực cho công tác phòng, chống dịch của cả nước như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam...

Là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương, Ủy ban đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp xử lý phù hợp đối với 5/12 dự án, doanh nghiệp và đưa ra khỏi danh sách Ban Chỉ đạo theo dõi, xử lý.

Đặc biệt, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Ủy ban đã tích cực triển khai sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; thực hiện chủ trương của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

Nhiều doanh nghiệp không chỉ thực hiện chuyển đổi số để đổi mới phương thức quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp mà còn cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số cho xã hội.

Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khẩn trương khắc phục, nhất là về kiện toàn mô hình tổ chức; đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý, trong năm tới, Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty cần thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm thời hạn các công việc thuộc thẩm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty.

Theo đó, Ủy ban cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc rà soát các quy định pháp luật còn gây vướng mắc để tập trung tháo gỡ; nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động của Ủy ban, bảo đảm cho Ủy ban có đầy đủ các quyền hạn tương xứng với trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp và với các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Ủy ban cũng cần khẩn trương hoàn thành Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty thuộc thẩm quyền. Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty, nhất là công tác giám sát tài chính, giám sát đầu tư, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng pháp luật.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền việc hoàn thiện, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Ủy ban để thực hiện tốt hơn chức năng cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả ngành Công Thương; tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty triển khai ý kiến của Bộ Chính trị; đẩy mạnh giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc còn tồn đọng.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trao Huân chương Độc lập tặng Viễn thông Hà Nội (Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam), Công ty cổ phần thực phẩm Safoco (Tổng công ty Lương thực miền Nam), Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng hàng hải (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam); tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc cho 1 cá nhân thuộc Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội và Huân chương Lao động hạng Nhất cho 4 cá nhân. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh trao Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba tặng 5 cá nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục