Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, trong năm 2015 tập trung thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Ngày 24/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và đề ra các nhiệm vụ, phương hướng công tác năm 2015.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì hội nghị. Đến dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tác tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng cho biết, trong năm 2014, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực trên tất cả các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội… Công tác thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp bước đầu đạt kết quả tích cực, lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.

Hệ thống chính trị cơ sở chuyển biến tốt, các chính sách đối với đồng bào dân tộc được tổ chức thực hiện tốt, đảm bảo an sinh xã hội.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng biểu dương các tỉnh trong khu vực đã cùng các bộ, ngành Trung ương, các đơn vị chức năng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra bị động bất ngờ, đảm bảo phát triển kinh tế ổn định.

Đối với các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả, thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong năm 2015, trong đó tập trung thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đây là yêu cầu đòi hỏi cấp bách, quan trọng nhằm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, các địa phương cần triển khai liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân, nông dân với hợp tác xã, nông dân với doanh nghiệp đẩy mạnh các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần tăng giá trị sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn sản xuất với thị trường, cung cấp thông tin thị trường đầy đủ cho các doanh nghiệp và nông dân…

Các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với địa phương sớm trình Chính phủ danh mục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực, nhất là trong lĩnh vực giao thông khẩn trương hoàn thiện quy chế liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cố gắng đưa ra một vài điểm quan trọng để thực hiện trong năm 2015 khẩn trương triển khai chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai tốt chương trình đổi mới toàn diện nền giáo dục theo Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị triển khai tốt công tác dân tộc, tôn giáo, chăm lo cho hộ nghèo trên địa bàn làm tốt công tác quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, không để xảy ra tình huống đột xuất bất ngờ thường xuyên nắm và giải quyết các vấn đề trên địa bàn vùng, kịp thời giải quyết các kiến nghị của địa phương và bức xúc của người dân…

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương và các cơ quan chức năng đã phát biểu, thảo luận các vấn đề còn tồn tại trong vùng như liên kết vùng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, cơ chế chính sách và nguồn vốn đầu tư hạ tầng, việc thu hút đầu tư còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Các đại biểu cũng trao đổi về tình trạng, nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá thành cao, khó tiêu thụ như cá tra và các mặt hàng nông sản khác vấn đề hỗ trợ vốn, gia hạn nợ cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra đang gặp khó khăn hiện nay, vấn đề về an ninh quốc phòng ở các địa phương vùng biên giới, các chính sách đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo…

Năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng Tây Nam Bộ ước đạt 8,98% (kế hoạch từ 9-10%), cao gấp 1,5 lần so với bình quân chung của cả nước cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nông- lâm- ngư nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn, trên 32%. Sản lượng lúa toàn vùng đạt 25 triệu tấn, tăng 0,5 triệu tấn so với năm 2013. Tính đến ngày 10/12/2014, toàn vùng xuất khẩu được 5,9 triệu tấn gạo, giảm 5% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 2,58 tỷ USD, giảm 3,6%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 11,9% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,3 tỷ USD, tăng 15,87% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, gạo, thực phẩm chế biến, dệt may, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 557 ngàn tỷ đồng, trong đó ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng 11%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 232.400 tỷ đồng, tăng 7,62% so với cùng kỳ.

Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện có hiệu quả, chính sách dân tộc, tôn giáo được quan tâm thực hiện kịp thời. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh được củng cố và tăng cường. Các vụ việc phức tạp, đột xuất trên địa bàn được chủ động giải quyết có hiệu quả, không để xảy ra các tình huống bất ngờ, khó kiểm soát…

Trong năm 2015, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đề ra các mục tiêu chủ yếu như: Tăng trưởng kinh tế 9,4%, kim ngạch xuất khẩu đạt 13,6 tỷ USD, thu ngân sách đạt trên 44 ngàn tỷ đồng, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 262.000 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,5%..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục