Thanh Hóa hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến 4 mùa trong năm

Với lợi thế về “điểm đến xanh," “tuyến du lịch xanh” an toàn, hấp dẫn, nhiều khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở các huyện miền núi Thanh Hóa đang trở thành điểm thu hút lượng lớn du khách.
Thanh Hóa hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến 4 mùa trong năm ảnh 1Bể bơi vô cực tại Pù luông. (Nguồn: Puluong Eco-Garden)

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết với mục tiêu đón 12 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 615.000 lượt, trong năm 2023, Thanh Hóa sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch, hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến 4 mùa trong năm.

Với lợi thế về “điểm đến xanh," “tuyến du lịch xanh” an toàn, hấp dẫn, nhiều khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở các huyện miền núi Thanh Hóa như Thác Mây (huyện Thạch Thành), khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước), Bến En (huyện Như Thanh), suối cá thần Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy), Bản Mạ (huyện Thường Xuân), bản Hang (huyện Quan Hóa)... đang trở thành điểm thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc trưng, với 102 km bờ biển, nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Tiên Trang và hệ thống núi, rừng, sông, hồ, hang động hùng vĩ, cảnh quan nên thơ. Đây cũng là địa phương có hệ thống di tích lịch sử-văn hóa dày đặc, với hơn 1.500 di tích được kiểm kê, xếp hạng, trong đó phải kể đến như Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, Di tích Am Tiên… là những cơ sở quan trọng để Thanh Hóa tổ chức khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách.

Đáng chú ý, tính đến thời điểm này, tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch được 55 khu, điểm du lịch, trong đó có 45 quy hoạch đã được phê duyệt, 10 quy hoạch đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình cấp có thẩm quyền.

Là địa phương có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, môi trường trong lành, khí hậu quanh năm mát mẻ và văn hóa truyền thống giàu bản sắc dân tộc, những năm gần đây, huyện Bá Thước tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Năm 2022, huyện Bá Thước đã đón hơn 80.000 lượt khách du lịch, trong đó có gần 6.000 lượt khách quốc tế, chiếm khoảng 25% tổng lượng khách quốc tế đến với Thanh Hóa. Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch ước khoảng 120 tỷ đồng.

Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bá Thước, cho biết năm 2022 là năm Bá Thước đón lượng du khách trong nước và quốc tế đông nhất từ trước đến nay. Để được kết quả như trên, địa phương đã cùng các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kích cầu du lịch, xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước, tham gia chương trình liên kết, hợp tác với các địa phương du lịch trọng điểm trong cả nước; xây dựng, làm mới sản phẩm dịch vụ... đáp ứng kịp thời nhu cầu của du khách. Từ nay đến năm 2025, huyện Bá Thước phấn đấu xây dựng Khu du lịch sinh thái Pù Luông trở thành khu du lịch sinh thái cộng đồng trọng điểm của tỉnh, là điểm đến hấp dẫn của du khách suốt 4 mùa trong năm.

Để đạt được mục tiêu đón 12 triệu lượt khách trong năm 2023, Thanh Hóa sẽ tập trung xây dựng và khai thác đa dạng sản phẩm du lịch đặc trưng, cũng như tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết phát triển du lịch với các trọng điểm du lịch cả nước…

Bên cạnh đó, Thanh Hóa sẽ tiếp tục thu hút, triển khai các dự án du lịch có quy mô lớn như dự án khu du lịch Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa); dự án TNG Hà Long Golf & Resort, dự án khu nông nghiệp công nghệ cao TNGreen (huyện Hà Trung)...

[Thanh Hóa: Phát huy lợi thế, đưa Sầm Sơn thành đô thị du lịch quốc gia]

Toàn tỉnh có 80 dự án đầu tư kinh doanh du lịch đang triển khai với tổng vốn đăng ký gần 145.500 tỷ đồng như quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC, khu du lịch sinh thái biển Tiến Thanh, dự án quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội Thành phố Sầm Sơn (Sầm Sơn); khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En (huyện Như Thanh); khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên (huyện Quảng Xương); khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại tại xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương); dự án Flamingo Linh Trường, xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa)...

Với chiến lược đầu tư đồng bộ, tập trung nguồn lực hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của tỉnh Thanh Hóa và sự tham gia của các tập đoàn uy tín cùng hàng loạt dự án quy mô, tầm cỡ, Thanh Hóa đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành điểm đến du lịch hiện đại, giàu trải nghiệm, từng bước xóa bỏ điểm yếu du lịch mùa vụ, phụ thuộc vào du lịch biển vào mùa Hè.

Kể từ khi du lịch chính thức mở cửa trở lại (tháng 3/2022), các cấp, ngành, địa phương ở Thanh Hóa đã tích cực, chủ động, huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng đón và phục vụ khách du lịch; đồng thời triển khai xây dựng “điểm đến xanh," “tuyến du lịch xanh," liên kết với các địa phương trong nước xây dựng hành lang an toàn đón khách. Cùng với đó, các giải pháp phục hồi du lịch được tỉnh triển khai đồng bộ, hoạt động xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá được đẩy mạnh và làm mới sản phẩm, tour du lịch đưa vào khai thác phục vụ du khách...

Thanh Hóa hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến 4 mùa trong năm ảnh 2Bản Mạ ở thôn Thanh Xuân, xã Xuân Cẩm nằm bên dòng sông Chu hiền hòa, cảnh quan thiên nhiên xanh mát quanh năm là một trong 2 địa điểm được huyện Thường Xuân chọn làm điểm xây dựng du lịch cộng đồng. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Chỉ trong chưa đầy 9 tháng, Thanh Hóa đã tổ chức thành công hơn 50 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm trong tỉnh. Nhờ đó, đến hết năm 2022, du lịch Thanh Hóa ước đón 11,01 triệu lượt khách du lịch (đạt 110,1% kế hoạch), trong đó khách quốc tế ước đạt 245.000 lượt khách (gấp 11,47 lần so với năm 2021). Tổng thu du lịch đạt 20.038 tỷ đồng (tăng gấp 4 lần so với năm 2021 và đạt 111,8% kế hoạch).

Để đạt được mục tiêu thu hút trên 610.000 lượt người, tổng thu 236.000 USD từ khách quốc tế trong năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đang hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch xanh, an toàn, gần gũi với thiên nhiên; đẩy mạnh một số phân khúc khách chuyên đề như du lịch Golf, MICE, chăm sóc sức khỏe và du lịch mạo hiểm. Tỉnh phát triển các thị trường trọng điểm, có khả năng chi trả cao; ứng dụng công nghệ thông minh, thúc đẩy chuyển đổi số; tuyên truyền, quảng bá các điểm đến ra thế giới. Bên cạnh đó, Thanh Hóa còn có chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, khẳng định: "Để thực hiện mục tiêu trở thành điểm đến 4 mùa, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành Du lịch Thanh Hóa tập trung triển khai thực hiện 5 nhóm giải pháp quan trọng. Theo đó, tập trung phát triển sản phẩm du lịch Thanh Hóa theo hướng đa dạng loại hình, nâng cao giá trị; phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Ngành đẩy mạnh chương trình kích cầu nhằm phục hồi du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch với thông điệp 'Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa,' 'Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn' và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ sở cũng như phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục