Thanh Hóa: Tròng trành hành trình đến trường của học sinh làng Bèo Bọt

Hằng ngày, 83 học sinh ở làng Bèo Bọt, xã Cẩm Thành, huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, vẫn phải đến trường bằng đò ngang khiến hành trình đi tìm con chữ của học sinh nơi đây cũng lắm gian nan.
Thanh Hóa: Tròng trành hành trình đến trường của học sinh làng Bèo Bọt ảnh 1Các em học sinh làng Bèo Bọt, xã Cẩm Thành, huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa phải đi thuyền vượt sông Mã. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Làng Bèo Bọt, xã Cẩm Thành, huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa nằm biệt lập với thế giới bên ngoài suốt hàng trăm năm qua.

Làng có 87 hộ dân với gần 400 nhân khẩu, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Thái. Do chưa có cầu bắc qua sông Mã nên hằng ngày, 83 học sinh ở Bèo Bọt từ mầm non đến trung học phổ thông vẫn phải đến trường bằng đò ngang khiến hành trình đi tìm con chữ của học sinh nơi đây cũng lắm gian nan.

Những mảng sương mù dày đặc nơi rẻo cao xứ Thanh dần tan đi bởi ánh Mặt Trời, từng tốp người xếp hàng lên đò để qua sông.

Buổi sáng, bến đò thôn Bèo Bọt đông kín, người lớn qua sông đi làm, học sinh "vượt sông" đến trường.

Trên chuyến đò ngang sang làng Bèo Bọt, ông Cao Ngọc Hoan - người lái đò hàng chục năm nay tại bến - cho biết làng Bèo Bọt nằm bên tả ngạn sông Mã, ở xã Cẩm Thành, phía trước là dòng sông Mã chắn ngang, phía sau là dãy núi đá vôi sừng sững.

Người ngoài muốn vào làng hoặc người trong làng muốn đi ra với thế giới bên ngoài, chỉ có lối duy nhất là đi đò vượt sông Mã. Mặc dù đã được trang bị đò chạy bằng máy thay vì con thuyền độc mộc như trước kia nhưng khi mùa mưa đến, nước sông dâng cao, việc qua sông rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến việc học hành của con trẻ.

Thanh Hóa: Tròng trành hành trình đến trường của học sinh làng Bèo Bọt ảnh 2Người dân làng Bèo Bọt, xã Cẩm Thành, huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa phải đi thuyền vượt sông Mã. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

“Theo quy định, trong ngày nhà đò sẽ có thời gian nghỉ 1 tiếng từ 12 giờ trưa đến 1 giờ chiều để ăn cơm, tuy nhiên, do nhu cầu đi lại của người dân (nhiều người có việc đột xuất, ốm đau) và học hành của các cháu nên nhiều hôm tôi phải ăn trưa qua quýt rồi tranh thủ đưa các cháu qua sông cho kịp công việc và giờ học," ông Hoan chia sẻ thêm.

Vừa dắt chiếc xe đạp cập bến, em Lê Thị Lệ, học sinh lớp 9, Trường Trung học cơ sở Cẩm Thành chia sẻ mỗi ngày em phải di chuyển 4 lần đò để đi học. Việc học của em cũng như các bạn trong thôn Bèo Bọt rất vất vả. Mùa Đông em phải dậy từ 6 giờ sáng để ra bến đợi đò, sau khi lên đò qua sông, em phải di chuyển thêm 8km nữa mới đến được trường.

Nhà cách điểm Trường Tiểu học Cẩm Thành chưa đầy 1km nhưng ngày nào em Bùi Thị Ngọc Quyên, lớp 5E, trường Tiểu học Cẩm Thành cũng 4 lần qua đò để đến điểm trường.

Vào mùa mưa bão hoặc thời điểm thủy điện xả lũ, nước sông dâng cao, không đảm bảo an toàn, Quyên phải nghỉ học. Em và gần 100 học sinh ở Bèo Bọt đều mong ước có một cây cầu bắc qua sông để không phải lênh đênh trên đò mỗi ngày tới trường.

[Cô giáo vùng cao trốn bố mẹ, vượt qua hủ tục để đi tìm con chữ]

Cô Hà Thị Liễu, giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy cho biết hiện nay, nhà trường có 44 học sinh là người làng Bèo Bọt theo học ở điểm trường lẻ tại thôn Phâng Khánh.

Hằng ngày, học sinh của làng phải 4 lượt qua sông để đến lớp, cả làng chỉ có một chiếc đò. Vào những ngày trời nắng ráo còn đỡ vất vả, đến mùa mưa hoặc khi thủy điện xả lũ, người dân nơi đây luôn thấp thỏm lo âu mỗi lần đi đò qua sông…

Vì vậy, cứ vào mỗi trận bão lũ, nước sông Mã dâng cao, lớp của cô Liễu lại vắng bóng những học sinh của thôn Bèo Bọt, bởi không gia đình nào dám để con vượt sông đến trường.

Ước mơ về cây cầu nối đôi bờ sông Mã không chỉ của bà con làng Bèo Bọt mà cũng là niềm mong mỏi của các thầy, cô nhà trường.

“Việc ngăn cách về giao thông đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dạy-học của nhà trường, nhất là vào mùa mưa bão, các em không thể đến trường, việc tiếp thu bài vở bị gián đoạn. Chưa kể việc qua sông nguy hiểm, mỗi khi nhà trường tổ chức sinh hoạt ngoại khóa hay các hoạt động phong trào, các em cũng không tham gia thường xuyên, đều đặn được,” cô Liễu chia sẻ thêm.

Người dân làng Bèo Bọt sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm nghiệp theo hướng tự cung, tự cấp. Ngoài cây lúa nước, người dân còn trồng thêm tre, luồng... Trong làng cũng có vài hộ dân nuôi cá lồng ở dưới lòng sông Mã.

Nhờ chăm chỉ, chịu khó làm ăn vươn lên, những năm gần đây, cuộc sống của người dân ổn định, chất lượng cuộc sống từng bước được nâng lên. Chỉ có điều giao thông bị chia cắt khiến mọi việc lớn nhỏ từ cưới hỏi, ốm đau, bệnh tật… người dân chỉ trông chờ một chiếc thuyền máy, rất bị động.

Thanh Hóa: Tròng trành hành trình đến trường của học sinh làng Bèo Bọt ảnh 3Người dân luôn ao ước có một chiếc cầu bắc qua sông Mã. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Chị Trương Thị Linh trăn trở do không có đường giao thông, người dân phải phụ thuộc vào chiếc thuyền duy nhất, chỉ chở tối đa được 12 người, việc đi lại gặp rất nhiều bất tiện, nhất là đưa đón con đi học. Đặc biệt là những ngày chuyển mùa, mưa rét, lũ lụt..., sự học của con em trong thôn càng trở nên khó khăn hơn gấp bội.

Theo ông Bùi Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, dù điều kiện khó khăn về mọi mặt nhưng hiện tại, 100% trẻ em ở làng đều được đến trường đúng độ tuổi, ở nhiều cấp học và không có cháu nào bỏ học giữa chừng.

Người dân, cử tri đã kiến nghị xây cầu từ hàng chục năm trước và năm nào người dân cũng ý kiến nhưng vì không có kinh phí nên việc xây dựng một cây cầu qua sông không hề dễ dàng. Chính quyền cũng kiến nghị và mong muốn các cấp, ngành quan tâm đầu tư một cây cầu để làng Bèo Bọt có cơ hội phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục