Thành phố Hồ Chí Minh gỡ rối combo "đi chợ hộ" cho người dân

Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu nhà bán lẻ, doanh nghiệp khẩn trương điều chỉnh combo "đi chợ hộ" phù hợp nhu cầu người dân và đảm bảo cả về chủng loại, số lượng, chất lượng hàng hóa.
Thành phố Hồ Chí Minh gỡ rối combo "đi chợ hộ" cho người dân ảnh 1Tình nguyện viên đi chợ giúp người dân mua hàng hóa, thực phẩm trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo yêu cầu ai ở đâu ở yên đó. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trong những ngày qua, tiếp thu phản ánh của người dân ở một số địa bàn dân cư tại Thành phố Hồ Chí Minh về combo "đi chợ hộ," lực lượng liên ngành đã và đang phối hợp cùng nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh để gỡ rối cho người dân.

Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu nhà bán lẻ, doanh nghiệp khẩn trương điều chỉnh combo "đi chợ hộ" phù hợp nhu cầu người dân và đảm bảo cả về chủng loại, số lượng, chất lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

Cụ thể, ghi nhận thực tế trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, người dân trên nhiều địa bàn dân cư đã tiếp cận được phương thức "đi chợ hộ" và mua sắm được hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Tuy nhiên, do phương thức "đi chợ hộ" kèm theo combo chủng loại hàng hóa được thiết kế sẵn nên nhiều người dân vẫn còn bối rối khi lựa chọn combo và sốt ruột chờ đợi được giao hàng.

Trong khi đó, một số điểm bán cũng lúng túng khi số lượng đơn hàng quá tải nên không đủ hàng hóa cung ứng kịp thời trong ngày cho khách hàng.

Điều này, dẫn đến chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa từ khâu tiếp nhận đơn hàng, soạn hàng... đến khâu giao hàng cho người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh đang bị chậm trễ, cũng như tái diễn tình trạng không kịp trả đơn hàng.

Theo chị Thanh Xuân, cư ngụ tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, trong những combo "đi chợ hộ" do chính quyền địa phương cung cấp và hướng dẫn cho người dân trong khu dân cư có những chủng loại hàng hóa người dân cần mua không có, nhưng có một số lại không cần, nhưng bắt buộc phải mua hết vì chung một combo.

[Combo 'đi chợ hộ' nhiều mức giá nhưng hạn chế chủng loại hàng hóa]

Bên cạnh đó, dù nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh đã nỗ lực bám sát nhu cầu tiêu dùng thiết yếu để tung ra nhiều loại combo "đi chợ hộ" những vẫn khó phù hợp với tất cả của người dân trong cộng đồng xã hội.

Liên quan đến vấn đề giá cả combo "đi chợ hộ," anh Văn Sơn, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức cho rằng, đối với nhiều hộ dân trước giờ vẫn đi chợ truyền thống nên cảm thấy giá combo "đi chợ hộ" có vẻ cao hơn, nhưng đây là hàng hóa được cung ứng từ hệ thống hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... đảm bảo chất lượng và có truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm rõ ràng.

Các combo "đi chợ hộ" này, cũng do nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh thiết kế với giá cả được niêm yết rõ ràng nên thiết nghĩ người dân có thể yên tâm.

Trước diễn biến thực tế của thị trường, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh trên địa bàn nghiên cứu, thiết kế, cũng như tăng thêm số lượng combo "đi chợ hộ."

Combo "đi chợ hộ" cần đảm bảo vừa đáp ứng đa dạng chủng loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, vừa phù hợp với mức thu nhập của nhiều thành phần trong xã hội để người dân dễ dàng lựa chọn.

Thành phố Hồ Chí Minh gỡ rối combo "đi chợ hộ" cho người dân ảnh 2Tình nguyện viên bàn giao hàng hóa mua giúp người dân trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Điển hình, nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh tổ chức đa dạng hơn những combo ở nhóm ngành thực phẩm có mức giá dao động từ 100.000-500.000 đồng/combo. Riêng mỗi hệ thống có nguồn hàng và nhà cung cấp riêng nên mong muốn thống nhất giá cho các combo "đi chợ hộ" trên toàn thành phố là điều khó thực hiện.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ chí Minh, hiện hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... đang là kênh phân phối, bán lẻ và cung ứng hàng hóa thiết yếu chủ lực đến người dân trên địa bàn thành phố. Đồng thời, những đơn vị này cũng tham gia Chương trình bình ổn thị trường nên hàng hóa kinh doanh đều đã được kiểm soát về giá cả và chất lượng.

Mặt khác, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh và chuỗi cửa hàng chuyên doanh trái cây và rau quả Grove Fresh vừa triển khai cửa hàng tự động-thanh toán không tiếp xúc đầu tiên tại địa chỉ 169 đường Cô Bắc, phường Cô Giang, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cửa hàng này là một trong những mô hình thuộc chương trình "Thực phẩm bình ổn lưu động."

Cửa hàng tự động-thanh toán không tiếp xúc hoạt động theo phương thức người mua di chuyển một chiều và thực hiện mua sắm theo hướng dẫn được bố trí sẵn, đồng thời thực hiện thanh toán với nhân viên thu ngân qua màn hình kết nối trực tuyến.

Khung giờ mở cửa của cửa hàng là từ 8 giờ đến 17 giờ hằng ngày và dự kiến hoạt động đến hết thời gian Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội.

Dự kiến, cửa hàng sẽ cung cấp khoảng 4 tấn hàng hóa mỗi ngày, tập trung các nhóm ngành hàng thịt gia súc, gia cầm; trứng gia cầm; trái cây, rau củ, quả; gạo, gia vị.

Lực lượng tham gia "đi chợ hộ" sẽ thông qua hình thức phát phiếu cho người dân đăng ký và chuyển đến cửa hàng soạn đơn hàng và phân phối đến hộ dân trong khu vực.

Đây được đánh giá là mô hình kịp thời tháo gỡ khó khăn trong khâu cung ứng thực phẩm sạch, bình ổn giá đến người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời điểm hiện tại. Ngoài ra, cửa hàng tự động-thanh toán không tiếp xúc sẽ tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới trên địa bàn thành phố.

Tương tự, một số phường, xã, chung cư... tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang phát triển mô hình hướng dẫn người dân đặt hàng trực tiếp với hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng bình ổn, đơn vị kinh doanh mặt hàng thiết yếu; tổ chức, đoàn thể, Ban quản lý... hỗ trợ khâu giao nhận hàng hóa.

Cụ thể, cư dân tại nhiều chung cư có thể đặt hàng online ở những điểm bán nằm trong nội khu chung cư, nhân viên cửa hàng sẽ soạn hàng theo đơn và bảo vệ toà nhà trực tiếp mang đi giao tại căn hộ.

Điển hình, tại chưng cư De Capella, thành phố Thủ Đức, Ban quản lý đã lập ra tổ "đi chợ thay" và tiếp nhận thông tin yêu cầu của từng hộ dân. Sau đó, tổ này phân công thành viên thực hiện đi chợ theo yêu cầu, vận chuyển hàng hóa... với tần suất 2 lần/tuần.

Còn tại nhiều chung cư khác tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài những combo "đi chợ hộ" do chính quyền địa phương cung cấp, Ban quản lý kết nối với hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích... thống nhất về quy trình đặt hàng cho cư dân. Qua đó, lực lượng "đi chợ hộ" tăng cường đa dạng chủng loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Trong số đó, Ban quản lý chung cư Green Field, quận Bình Thạnh, Thành phố. Hồ Chí Minh, đã kết nối với nhà vườn để cung ứng về cho cư dân hàng trăm kg rau củ, quả trong thời gian giãn cách xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh người dân thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó,” Ban quản lý chung cư đã tổ chức lực lượng bảo vệ vận chuyển, phân phối hàng hóa đến nhà cư dân trong chưng cư, đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm thực hiện “5K + vaccine + thuốc uống." Đồng thời, nhiều nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh cũng kêu gọi người dân hết sức bình tĩnh, đảm bảo mua sắm giãn cách và biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, sở, ngành phối hợp với chính quyền thành phố Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn triển khai đồng bộ và huy động nguồn lực từ các cấp, ngành cùng tham gia phân phối hàng hóa thiết yếu cho người dân. Đồng thời, đảm bảo cung ứng đầy đủ những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên nguyên tắc Thành phố Hồ Chí Minh không để người dân nào bị thiếu đói lương thực thực phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục