Thành phố Sầm Sơn không bị động trong mùa cao điểm du lịch

Mặc dù lượng khách đổ về đông nhưng qua các kênh thông tin, đường dây nóng và mạng xã hội, năm nay Sầm Sơn không xảy ra tình trạng "chặt chém," "lạm thu," bán hàng rong, chèo kéo làm phiền du khách.
Thành phố Sầm Sơn không bị động trong mùa cao điểm du lịch ảnh 1Nếu như trước đây, khách du lịch thường tập trung đến Sầm Sơn vào dịp cuối tuần nhưng hiện tại, vào tất cả các ngày trong tuần, các bãi tắm A, B, C, D đều luôn chật kín người. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Trong những ngày hè, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) để "giải nhiệt."

Nhiều khách sạn ven biển kín phòng, nhiều quán ăn chật cứng, hoạt động hết công suất... là minh chứng cho sự phục hồi và tăng trưởng của du lịch Sầm Sơn nói riêng, du lịch Thanh Hóa nói chung sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tuy nhiên, Sầm Sơn không bị động khi lượng khách đến đông.

Nếu như trước đây, khách du lịch thường tập trung đến Sầm Sơn vào dịp cuối tuần thì hiện nay các bãi tắm A, B, C, D đều luôn chật kín người vào tất cả các ngày trong tuần. Dọc bờ biển từ bãi A đến bãi D ghi nhận rất đông du khách vui chơi, tắm biển, tham gia các hoạt động thể dục thể thao tập thể.

Có thể nói, bãi biển đẹp cùng với những đột phá về cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ và văn hóa du lịch trong những năm gần đây chính là yếu tố khiến biển Sầm Sơn “hút” khách.

Do lượng khách đổ về đông, các lực lượng chức năng đã làm việc hết công suất để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường biển.

Thông qua dữ liệu thu thập từ gần 150 camera giám sát có độ phân giải cao, được lắp đặt trên khắp địa bàn thành phố, Trung tâm điều hành đô thị thông minh đang là công cụ đắc lực giúp thành phố Sầm Sơn theo dõi, tiếp nhận phản ánh của người dân và du khách cũng như công tác quản lý, điều hành, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách khi tới tham quan, nghỉ dưỡng.

Anh Hà Văn Mai (ở Mê Linh, Vĩnh Phúc) cho biết hiện nay là cao điểm về du lịch nhưng gia đình anh vẫn tranh thủ khi các con, cháu được nghỉ hè để đi du lịch biển Sầm Sơn. Vì lượng khách đông nên công tác phục vụ đồ ăn có chậm một chút, nhưng đến Sầm Sơn lần này anh khá hài lòng. Giá dịch vụ ăn uống, vui chơi ở đây không quá đắt, hải sản rất tươi ngon.

[Khu du lịch biển Sầm Sơn sẵn sàng các điều kiện để đón khách]

Theo ghi nhận của phóng viên, vào những ngày cuối tuần, nhiều dịch vụ tại Sầm Sơn hoạt động hết công suất. Từ giữa tháng 7, nhiều khách sạn, nhà nghỉ dọc ven biển đã từ chối nhận khách đặt phòng vào dịp cuối tuần vì kín phòng.

Nhiều nhà hàng phải từ chối khách đặt bàn sau 18 giờ để đảm bảo phục vụ được tốt nhất. Để có chỗ lưu trú, nhiều đoàn khách phải đăng ký từ sớm để giữ chỗ. Lượng khách đổ về Sầm Sơn những ngày nắng nóng tăng đột biến là cơ hội để các dịch vụ lưu trú, ăn uống cải thiện doanh thu.

Ông Nguyễn Việt Dũng, quản lý Khách sạn Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (bãi D - biển Sầm Sơn) cho biết, trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8, khách sạn không còn phòng trống vào dịp cuối tuần vì các đoàn khách đã đặt chỗ từ trước.

Để thu hút du khách, đơn vị đã giảm 20-30% giá phòng vào những ngày trong tuần, đồng thời liên kết với các công ty lữ hành để xây dựng điểm đến trọn gói, gồm lưu trú, ăn uống và tham quan.

Theo anh Nguyễn Văn Cường, quản lý nhà hàng Dũng Quých (thành phố Sầm Sơn), với công suất 200 bàn ăn, 2.000 chỗ ngồi, nhà hàng phải huy động nhân lực tối đa để sắp xếp thời gian, thực đơn, lên đồ cho khách một cách hợp lý và chính xác.

Nhà hàng đã huy động thêm 60 nhân viên chạy bàn, đứng bếp. Nhiều hôm sau 18 giờ 30 có đoàn khách đặt bàn, nhưng nhà hàng phải từ chối để đảm bảo phục vụ khách một cách tốt nhất. Dù đây là thời điểm cao điểm của mùa du lịch nhưng nhà hàng cam kết công khai giá, bán đúng giá, đảm bảo chất lượng thực phẩm.

Mặc dù lượng khách đổ về đông nhưng qua các kênh thông tin, đường dây nóng và mạng xã hội, năm nay Sầm Sơn không xảy ra tình trạng "chặt chém," "lạm thu," bán hàng rong, xe điện chèo kéo làm phiền du khách...

Đây cũng là nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền về thực hiện văn minh du lịch, xây dựng hình ảnh vùng đất, con người Sầm Sơn thân thiện, mến khách.

Thành phố Sầm Sơn không bị động trong mùa cao điểm du lịch ảnh 2Du khách thích thú chơi đùa trên bãi biển. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Để đạt được những kết quả đáng mừng đó, không thể không kể đến khó khăn trong những tháng đầu tiên khi du lịch chính thức mở cửa trở lại, sau 2 năm trầm lắng bởi dịch COVID-19. Đó là sự xuống cấp về cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ du lịch, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật... do lâu ngày không được sử dụng, duy tu, bảo dưỡng; sự thiếu hụt về nhân lực phục vụ du lịch do phần lớn nguồn nhân lực làm việc trong ngành du lịch và chuỗi cung ứng dịch vụ phụ trợ du lịch đã buộc phải chuyển đổi sang ngành nghề, lĩnh vực khác.

Ủy ban Nhân dân thành phố Sầm Sơn đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tập huấn cho 2.284 lao động là cán bộ quản lý, chủ doanh nghiệp, cơ sở lưu trú và người lao động tham gia hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn, đồng thời liên tục tuyển dụng lao động để tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

Thành phố chủ động xây dựng chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch để kích cầu du lịch với mục tiêu từng bước xây dựng Sầm Sơn trở thành “thành phố của lễ hội,” “thành phố không ngủ,” trung tâm du lịch sôi động suốt 4 mùa, từng bước vươn tầm quốc tế.

Đặc biệt, thành phố chú trọng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, từng bước đa dạng hóa sản phẩm để thu hút du khách và kéo dài thời gian hoạt động du lịch; tranh thủ các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư.

Trong 5 năm trở lại đây, thành phố Sầm Sơn đã thu hút nhiều dự án đầu tư xây dựng đô thị và dịch vụ du lịch quy mô lớn, hiện đại như Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn và Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn do Tập đoàn Sun Group đầu tư.

Dự kiến năm 2023, một số dự án của Tập đoàn Sun Group đi vào hoạt động như công viên nước, công viên chuyên đề, hệ thống khách sạn mini 5 sao… hứa hẹn đáp ứng được phân khúc khách hàng hạng sang và khách quốc tế.

Hiện nay, cùng với lượng phòng ở đang có, trung bình mỗi năm, các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Sầm Sơn xây mới khoảng 2.000 phòng từ 1-3 sao nên cơ bản đáp ứng phục vụ nhiều phân khúc khách hàng.

Ông Bùi Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Sầm Sơn, khẳng định du khách đến Sầm Sơn rất đông, có thời điểm quá tải đối với thành phố. Để giải quyết vấn đề này, thành phố phối hợp với Hiệp hội Du lịch, cơ sở lưu trú, thông tin trên trang web, mạng xã hội về các cơ sở lưu trú còn phòng, đồng thời khuyến cáo du khách nên đến với Sầm Sơn vào những ngày thường để giảm tải.

Các cơ sở lưu trú giảm 30% giá phòng so với ngày cuối tuần để hút khách. Nhằm xây dựng và phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện, tháng 11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 07 về “Xây dựng và phát triển thành phố Sầm Sơn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045,” đây có thể xem là động lực để Sầm Sơn “cất cánh” trong tương lai gần.

Trong 7 tháng năm 2022, nhất là trong tháng 6, tháng 7, tất cả chỉ tiêu về lượt khách, ngày khách, doanh thu của thành phố Sầm Sơn đều vượt so với kế hoạch đề ra trong năm với 4,43 triệu lượt khách, tăng 179% so với cùng kỳ năm trước. 

Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị chức năng và ý thức của người dân, Sầm Sơn sẽ sớm trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong nước, quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục