Ngày 3/6, Bộ Y tế Saudi Arabia xác nhận sau khi rà soát lại số liệu thống kê y tế từ năm 2012, số ca nhiễm và tử vong do virus gây Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) ở nước này đã tăng thêm hơn 200 trường hợp so với con số công bố trước đó.
Trong thông báo, Bộ Y tế Saudi Arabia cho biết kể từ khi ca đầu tiên nhiễm virus MERS được công bố năm 2012, đến nay tổng cộng có 689 ca nhiễm chủng virus chết người nói trên, trong đó 283 ca tử vong. Số liệu này cao hơn nhiều so với con số 575 ca nhiễm và 190 ca tử vong được công bố gần đây nhất.
Trong số những người bị lây nhiễm, 353 người đã bình phục hoàn toàn và hiện còn 53 người vẫn đang được điều trị. Như vậy, tỷ lệ tử vong do virus MERS tại quốc gia vùng Vịnh này là 41%, so với con số 33% công bố trước đó.
Tuy nhiên, người đứng đầu Hội đồng cố vấn khoa học thuộc Bộ Y tế Saudi Arabia Tariq Madani cho biết số ca nhiễm mới có vẻ như đang giảm dần trong các tuần gần đây.
Theo tiến sĩ Tariq Madani, tháng trước, Trung tâm Điều hành và Kiểm soát thuộc Bộ Y tế Saudi Arabia đã tiến hành rà soát lại các số liệu thống kê liên quan đến các bệnh nhân nhiễm virus MERS từ năm 2012 trở lại đây nhằm mục đích đưa ra các đánh giá tổng thể và xác thực hơn, qua đó cải thiện các biện pháp ứng phó với dịch bệnh.
Dựa trên đánh giá mới, giới chức y tế nước này đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thu thập các dữ liệu một cách chính xác, kịp thời và công khai hơn; đồng thời nâng cao năng lực và hiệu quả của các phòng xét nghiệm đạt chuẩn.
Trước đó, hôm 2/6, quyền Bộ trưởng Y tế Saudi Arabia Adel Fakieh - người được Quốc vương Abdullah bổ nhiệm vào tháng Tư vừa qua sau khi người tiền nhiệm Abdullah al-Rabeeah bị sa thải trong bối cảnh virus MERS lây lan mạnh - thông báo đã cách chức Thứ trưởng Ziad Memish.
Chính quyền Saudi Arabia, trong đó có cả ông Ziad Memish bị nhiều nhà khoa học quốc tế chỉ trích về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng y tế này.
Ngoài Saudi Arabia, hiện nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Ai Cập, Jordan, Liban, Hà Lan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Mỹ đã ghi nhận các ca nhiễm virus MERS. Hầu hết bệnh nhân là những người từng du lịch đến Saudi Arabia trong thời gian gần đây.
MERS gây các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, viêm phổi và được coi là "họ hàng" của virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) từng ám ảnh châu Á năm 2003 khiến hơn 8.000 người nhiễm bệnh và 9% trong số đó tử vong. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng virus MERS chưa tạo ra tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với y tế cộng đồng.
Theo thông báo của Ủy ban khẩn cấp WHO, dựa trên thông tin hiện nay, mức nghiêm trọng xét ở góc độ tác động đối với sức khỏe cộng đồng là đáng lo ngại, tuy nhiên chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy MERS liên tiếp lây truyền từ người sang người./.