Thổ Nhĩ Kỳ không còn nhiều lựa chọn trong cuộc khủng hoảng Syria

Ông Erdogan cảm thấy bị tấn công bất ngờ khi Nga mở chiến dịch tấn công dữ dội vào khu vực Idlib của Syria và nguy cơ xung đột đang gia tăng nhanh chóng.
Thổ Nhĩ Kỳ không còn nhiều lựa chọn trong cuộc khủng hoảng Syria ảnh 1Binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai gần làng al-Nayrab, thuộc tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria ngày 20/2/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Reuters đưa tin với gần 1 triệu người Syria tị nạn tập trung gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước một cuộc tấn công của quân chính phủ Syria, các lựa chọn của Tổng thống Tayyip Erdogan đang bị thu hẹp.

Theo các quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và các nguồn tin khác, ông Erdogan cảm thấy bị tấn công bất ngờ khi Nga mở chiến dịch tấn công dữ dội vào khu vực Idlib của Syria và nguy cơ xung đột đang gia tăng nhanh chóng.

Ông Erdogan đã nhiều lần cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ, vốn ủng hộ phiến quân ở tỉnh Đông Bắc này của Syria, sẽ đẩy quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad ra khỏi lãnh thổ trong những tháng tới nếu họ không rút quân vào cuối tháng này.

Tuy nhiên, khi thời hạn chót 29/2 đến gần hơn, cuộc tấn công của Syria được Nga hậu thuẫn tiếp tục giành thắng lợi và vòng đàm phán thứ ba giữa Ankara và Moskva trong tuần này không được hy vọng sẽ nhanh chóng phá vỡ bế tắc.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và các quan chức quân sự phe đối lập, các nhà ngoại giao và giới phân tích cho rằng trong khi một chiến dịch quân sự toàn diện của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có khả năng xảy ra, tùy thuộc vào cuộc thương lượng mặc cả với Nga, ông Erdogan ở giai đoạn cuối này có thể sẽ đồng ý một thỏa thuận với Moskva, theo đó rút một phần quân đội Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy một vai trò trong việc quyết định tương lai của Syria.

Họ nói thêm rằng ông Erdogan đã bị bất ngờ bởi điều mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là lập trường không nhân nhượng của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong vấn đề này và trong các cuộc thảo luận.

Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói vơi hãng tin Reuters: "Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể vẫn đạt được một thỏa hiệp."

Nhưng "nếu không có thỏa thuận nào và các cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục, cuộc tấn công Idlib sẽ bắt đầu," ám chỉ một nỗ lực quân sự trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ để giành lại vùng lãnh thổ này.

Văn phòng ông Erdogan không phản ứng trước yêu cầu bình luận về vấn đề này.

Ông Erdogan và các trợ lý đã công khai nói rằng họ muốn giải quyết vấn đề với Nga, nhưng quyết tâm đó của Thổ Nhĩ Kỳ không nên bị thử thách và họ sẽ không từ bỏ các trạm quan sát ở tỉnh Idlib, một số trong đó đã bị các lực lượng của Syria bao vây.

Quyết định của ông Erdogan sẽ giúp định rõ một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trong thế kỷ này tính đến nay, trong đó ước tính 900.000 người Syria - khoảng một nửa trong số đó là trẻ em - đã buộc phải chạy khỏi thành phố và làng mạc của họ trong những tháng gần đây vì bom đạn.

Tháng 12/2019, Moskva và Damascus, được tăng viện bởi các chiến binh do Iran hậu thuẫn, đã phát động chiến dịch vào lãnh thổ lớn cuối cùng do các lực lượng đối lập kiểm soát ở Tây Bắc Syria khi họ tìm cách chấm dứt 9 năm cuộc chiến tranh ủy nhiệm đẫm máu khiến hàng trăm nghìn người Syria thiệt mạng.

Khi các lực lượng chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn tiến về phía Tây Bắc, những người Syria tị nạn đã tập trung dọc khu vực biên giới phía Nam bị đóng cửa với Thổ Nhĩ Kỳ, ngủ trong các căn lều hoặc ngoài trời.

"Các vụ không kích đến từ mọi phía... Chúng tôi không còn bất cứ ai bảo lãnh, cả Thổ Nhĩ Kỳ hay quốc gia nào khác," Mohamad Atouf, 31 tuổi, trú tạm trong một căn lều trống cùng với vợ và 4 đứa con ở gần thị trấn biên giới Azaz.

Ông Erdogan phải đối mặt với một bên là các nhu cầu ngày càng tăng về phúc lợi của người tị nạn Syria và một bên là sự ủng hộ ở trong nước, nơi rất ít người muốn tiếp nhận thêm người tị nạn vào con số 3,7 triệu người tị nạn Syria hiện đang ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã đưa hàng nghìn binh sỹ và thiết bị tới khu vực để hỗ trợ phiến quân, đã có khoảng 20 binh sỹ thiệt mạng trong tháng Hai này.

Thổ Nhĩ Kỳ không còn nhiều lựa chọn trong cuộc khủng hoảng Syria ảnh 2Người di cư tập trung tại khu vực Pazarkule, Edirne, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp, ngày 29/2/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hàng trăm binh sỹ đồn trú trong các trạm quan sát quân sự đã bị bao vây bởi quân đội Chính phủ Syria, những người đã tiến vào tỉnh Idlib với sự hỗ trợ của các cuộc không kích liên tục của Nga.

Giao tranh đã diễn ra ác liệt trong những ngày gần đây và truyền hình nhà nước Nga tối 27/2 cho biết các chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã nhắm mục tiêu vào các máy bay Nga bằng tên lửa vác vai.

Đương đầu với uy thế không quân của Nga ở tỉnh Idlib, hành động có nhiều khả năng nhất của ông Erdogan sẽ là một thỏa thuận ngừng bắn với Putin, theo đó nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rút lại những đe dọa liên tiếp về việc mở một cuộc tấn công vào Idlib nhưng sẽ giữ thể diện bằng cách có một vai trò trong việc quyết định tương lai của Syria và trong việc xử lý cuộc khủng hoảng di cư, theo các quan chức chính phủ, các nhà ngoại giao và giới phân tích.

Thổ Nhĩ Kỳ, vốn chống đối ông Assad và đã ủng hộ một số chiến binh nổi dậy cố gắng lật đổ Tổng thống Syria, hy vọng sẽ vẽ lại thỏa thuận Sochi 2018, trong đó kêu gọi thiết lập một khu phi quân sự xung quanh Idlib, nhưng các nhà phân tích cho rằng Ankara sẽ dàn xếp để lập một khu vực ảnh hưởng nhỏ hơn cho người tị nạn Syria.

Các lực lượng chính phủ Syria hiện đã kiểm soát khoảng một nửa tỉnh Idlib và Assad đã thề sẽ lấy lại từng tấc đất của Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hy vọng vào một thỏa thuận.

Ông Erdogan đã muốn Nga, Đức và Pháp gặp nhau vào ngày 5/3 tới để thảo luận về Idlib, nhưng Điện Kremlin hôm 27/2 tuyên bố Putin không có kế hoạch cho một cuộc họp như vậy vào ngày đó. Đức và Pháp đã lên án cuộc khủng hoảng nhân đạo và hối thúc chấm dứt xung đột.

Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một nghị quyết cuối cùng khó có thể đạt được cho đến ngày 6/3, khi các nhà lãnh đạo được cho là sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh Thổ Nhĩ Kỳ-Nga-Iran về tình hình Idlib.

Điện Kremlin đã không bình luận ngay về triển vọng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.

Vladimir Frolov, cựu quan chức ngoại giao cấp cao Nga, cho biết lập trường của Nga là Assad kiểm soát toàn bộ Syria, trong khi Erdogan và Nga sẽ kiểm soát và giữ trật tự tại một phần lãnh thổ ở tỉnh Idlib dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích, các nhà ngoại giao và quan chức ở Ankara cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không chắc sẽ chấp nhận điều đó.

"Thổ Nhĩ Kỳ không có lựa chọn khả dĩ nào cho đến nay," Sinan Ulgen, cựu nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và hiện là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chính sách đối ngoại và kinh tế có trụ sở ở Istanbul, nhận định "Đây là lý do tại sao không có một lệnh ngừng bắn sớm, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đấu tranh"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục