Thủ tướng Đức: Ưu tiên trong quan hệ Anh-EU là vấn đề Bắc Ireland

Thủ tướng Đức nhấn mạnh ưu tiên trước mắt là tìm kiếm một giải pháp lâu dài liên quan đến Nghị định thư Bắc Ireland, sau đó mới có thể xem liệu mối quan hệ giữa Anh và EU có thể phát triển tới đâu.
Thủ tướng Đức: Ưu tiên trong quan hệ Anh-EU là vấn đề Bắc Ireland ảnh 1Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc gặp tại Chequers, Buckinghamshire, ngày 2/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm ngày 2/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson và người đồng cấp Đức Angela Merkel đã chia sẻ quan điểm về quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh hậu Brexit cũng như nhiều vấn đề khác.

Khi được hỏi về khả năng các hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) hậu Brexit có mời đại diện phía Anh hay không, Thủ tướng Merkel cho rằng "mọi việc nên được tiến hành từng bước."

Bà nhấn mạnh ưu tiên trước mắt là tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho bất đồng giữa Brussels và London liên quan đến Nghị định thư Bắc Ireland, sau đó mới có thể xem liệu mối quan hệ giữa Anh và EU có thể phát triển tới đâu.

Thủ tướng Merkel đồng thời bày tỏ lạc quan rằng việc gia hạn 3 tháng thời gian miễn trừ kiểm tra hải quan đối với các sản phẩm thịt chế biến và thịt đông lạnh của Anh vào vùng lãnh thổ Bắc Ireland sẽ cho thêm thời gian tìm kiếm một giải pháp lâu dài.

Liên quan vấn đề này, Thủ tướng Johnson khẳng định bất đồng với EU về Nghị định thư Bắc Ireland trong khuôn khổ Brexit có thể được giải quyết, tuy nhiên vẫn cần điều chỉnh các thỏa thuận.

Ông khẳng định: "Như phát biểu của Thủ tướng Angela, tôi chắc chắn rằng với thiện chí và sự kiên nhẫn, chúng tôi có thể giải quyết vấn đề về Bắc Ireland. Tuy nhiên, chúng ta sẽ cần phải sửa đổi Nghị định thư."

Anh chính thức cắt đứt mọi ràng buộc thành viên với EU từ ngày 1/1/2021, nhưng riêng vùng lãnh thổ Bắc Ireland vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của thị trường chung EU và liên minh thuế quan để tránh phải thiết lập "biên giới cứng" giữa vùng này và Cộng hòa Ireland (một thành viên của EU).

[Anh hy vọng sẽ sớm đạt thỏa thuận với Liên minh châu Âu]

Trong cuộc họp báo, hai nhà lãnh đạo Anh và Đức cũng đề cập đến vấn đề phòng chống dịch COVID-19. Thủ tướng Đức Merkel đã bày tỏ lo ngại về quyết định của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) cho phép cổ động viên vào sân vận động trong mùa giải EURO 2020 bất chấp số ca mắc COVID-19 tăng vọt do biến thể Delta.

Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson cho biết ông không có kế hoạch yêu cầu giảm số lượng cổ động viên được phép vào sân dự khán các trận đấu còn lại trên sân vận động Wembley ở London.

Ông khẳng định Anh đảm bảo quy trình giám sát y tế chặt chẽ, theo đó tiến hành xét nghiệm với tất cả những người đến sân vận động.

Ngoài ra, nước này cũng đã tạo được một "bức tường miễn dịch" chống lại COVID-19 nhờ triển khai tiêm chủng.

Theo kế hoạch thí điểm công bố hồi tuần trước, sân vận động Wembley có thể cho phép hơn 60.000 cổ động viên tới tham gia cổ vũ các trận tứ kết và chung kết tại EURO 2020.

Trước đó, ngày 1/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo việc các cổ động viên đến xem tại các sân vận động, quán bar và khu vực xem bóng đá trên khắp châu Âu đã làm gia tăng tốc độ lây lan dịch COVID-19.

Người tụ tập xem bóng đá, di chuyển giữa các quốc gia và việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến số ca mắc mới ở Lục địa già tăng 10%, sau 10 tuần liên tiếp giảm.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang trong chuyến công du đến Anh. Đây được xem là chuyến công du nước ngoài cuối cùng của bà Merkel trên cương vị Thủ tướng Đức.

Theo kế hoạch, bà sẽ là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phát biểu trước Nội các Anh kể từ năm 1997.

Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết chuyến thăm là cơ hội để hai nhà lãnh đạo Anh và Đức thảo luận một loạt vấn đề như củng cố quan hệ song phương và các nỗ lực phối hợp quốc tế nhằm đối phó với đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục