Thừa Thiên-Huế: Làm rõ trách nhiệm 3 nhà máy thủy điện về trồng rừng

Lãnh đạo Thừa Thiên-Huế chỉ đạo Sở NN&PTNT kiểm tra diện tích trồng rừng thay thế trong quy hoạch đất năng lượng của chủ đầu tư 3 nhà máy thủy điện; làm rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan.
Thừa Thiên-Huế: Làm rõ trách nhiệm 3 nhà máy thủy điện về trồng rừng ảnh 1Cây tràm úc được trồng ở vùng bán ngập ven chân các đảo nhỏ tại hồ Thủy điện Bình Điền. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Hoàng Hải Minh vừa cho biết sau khi Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra lại toàn bộ diện tích trồng rừng thay thế nằm trong quy hoạch đất năng lượng (đất bán ngập thuộc lòng hồ thủy điện) của chủ đầu tư 3 nhà máy thủy điện; đồng thời sẽ làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan.

Trong giai đoạn 2016-2021 chủ đầu tư các dự án Nhà máy Thủy điện Bình Điền, Nhà máy Thủy điện Hương Điền, Nhà máy Thủy điện A Lưới đã tổ chức trồng, chăm sóc hơn 267ha rừng thay thế trên diện tích đất bán ngập thuộc lòng hồ, theo hồ sơ thiết kế và dự toán được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt.

Việc này thay thế cho biện pháp nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh Thừa Thiên-Huế theo quy định.

Loài cây được lựa chọn trồng là cây gáo và tràm úc. Tuy nhiên, qua 6 năm, kết quả khảo sát vào đầu tháng 6/2021 cho thấy tổng diện tích có cây trồng là hơn 28ha, trong đó diện tích đạt tiêu chí rừng trồng là hơn 8ha, còn lại là diện tích không có cây trồng.

Đáng chú ý, theo thiết kế, Công ty Cổ phần Thủy điện Hương Điền có hơn 57ha được phê duyệt trồng rừng thay thế, song kết quả kiểm tra cho thấy chỉ có hơn 4ha có cây trồng và không có hécta cây trồng nào đạt tiêu chí rừng trồng.

[Hơn 50.000 tỷ đồng được đầu tư vào lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020]

Trong suốt thời gian các chủ đầu tư dự án thủy điện triển khai trồng rừng thay thế, việc giám sát, đánh giá từ phía các cơ quan liên quan của tỉnh Thừa Thiên-Huế không được thực hiện thường xuyên mà sau chu kỳ trồng rừng 6 năm mới có sự đánh giá.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Hoàng Hải Minh, kết quả trồng rừng thay thế cho thấy, vấn đề lựa chọn giống, loài cây, quy hoạch vị trí đất trồng rừng chưa phù hợp; công tác chăm sóc sau khi trồng không được các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc.

Khoảng giữa tháng 9/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ hoàn thiện báo cáo rà soát toàn bộ diện tích trồng rừng thay thế, trên cơ sở đó lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ đưa ra những biện pháp xử lý cụ thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục