Thừa Thiên-Huế, Phú Yên: Thủy điện xả lũ, sẵn sàng đối phó bão số 13

Nếu trong đêm 11/11 và ngày 12/11, mưa vẫn tiếp tục diễn ra, lượng nước từ các tỉnh Tây Nguyên đổ nhiều về sông Ba, Thủy điện sông Ba Hạ sẽ xin ý kiến để tiếp tục tăng lưu lượng xả nước.
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiểm tra xả lũ tại Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiểm tra xả lũ tại Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, ảnh hưởng của bão số 12 và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, lượng nước đổ về sông Ba tương đối lớn buộc nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ phải tăng lưu lượng xả lũ. Tuy nhiên, do lưu vực sông Ba rộng, có nhiều hồ chứa cắt được lũ nên ít áp lực hơn.

Để hạn chế thấp nhất ngập úng cho vùng hạ du, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên chỉ đạo Nhà máy Thủy diện sông Ba Hạ điều tiết mức xả với lưu lượng phù hợp, nhất là trong thời điểm triều cường để tránh gây áp lực ngập lụt cho vùng hạ du sông Ba, đặc biệt là thành phố Tuy Hòa.

Theo ông Trần Lý, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện sông Ba Hạ, do lượng nước đổ về hồ chứa của nhà máy lớn, trong ngày 11/11, Nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ vận hành xả lũ về hạ du với tổng lưu lượng 4.500 m3/s.

Nếu trong đêm 11/11, ngày 12/11, mưa vẫn tiếp tục diễn ra, lượng nước từ các tỉnh Tây Nguyên đổ nhiều về sông Ba, Công ty sẽ xin ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên để tiếp tục tăng lưu lượng xả nước.

[Các hồ thủy điện hạ mực nước để ứng phó với cơn bão số 13]

Để ứng phó với nguy cơ ngập lụt trên diện rộng dọc sông Ba, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết, đơn vị đã phát đi thông báo đề nghị các cơ quan liên quan, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương ven sông Ba gồm: Huyện Phú Hòa, Tây Hòa, thị xã Đông Hòa và thành phố Tuy Hòa thông báo kịp thời cho nhân dân biết tình hình lũ trên sông Ba và kế hoạch xả lũ của các nhà máy thủy điện để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.

Ban Chỉ huy cũng yêu cầu người dân, chính quyền các địa phương thường xuyên theo dõi thời tiết, tình hình nước lũ trên sông Ba; kiểm tra rà soát các khu vực trũng, sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, triều cường để chủ động triển khai các phương án di dời, sơ tán dân khi có yêu cầu; các cơ quan, đơn vị, các địa phương ven sông Ba cần thực hiện tổ chức trực ban nghiêm túc, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi xảy ra sự cố do mưa, lũ.

Thừa Thiên-Huế, Phú Yên: Thủy điện xả lũ, sẵn sàng đối phó bão số 13 ảnh 1Nước lũ trên sông Hương tràn qua khu vực đập đá ở thành phố Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Tối 11/11, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã họp trực tuyến với các địa phương trên địa bàn để triển khai các giải pháp ứng phó với mưa lũ và cơn bão Vamco đang tiến vào biển Đông.

Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, tính đến 16 giờ 11/11, các hồ chứa lớn của tỉnh Thừa Thiên-Huế đều đang xả về hạ du; trong đó hồ thủy điện Bình Điền xả lưu lượng về hạ du là 2.502 m3/giây, hồ thủy điện Hương Điền xả với lưu lượng 2.310 m3/giây. Do vậy, mực nước trên sông Hương chỉ còn cách báo động 3 là 0,52m; nước trên sông Bồ cách báo động 3 là 0,22m.

Nhiều tuyến đường giao thông và khu vực dân cư ở nhiều xã của huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, Hương Thủy, A Lưới, bị ngập từ 0,5-0,6m. Trong đó, các xã Quảng Thành, Quảng An của huyện Quảng Điền đang bị nước lũ dâng cao, chia cắt; xã Đông Sơn của huyện A Lưới bị nước lũ bao vây cô lập. Chính quyền các địa phương đang khẩn trương di dời các hộ dân ở vùng trũng thấp, người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… đến những địa điểm an toàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quảng Điền Trần Quốc Thắng cho biết, với kinh nghiệm ứng phó với các đợt lũ lớn trong tháng 10, các xã trong huyện đã sớm triển khai phương án “4 tại chỗ”, chủ động di dời các hộ dân đến nơi an toàn.

Hiện nay, lương thực tích trữ từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm đủ đảm bảo cho những hộ dân ở các xã đang bị nước lũ chia cắt duy trì sinh hoạt trong nhiều ngày tới. Tại những khu vực nước lũ ngập sâu, lượng chức năng đã tiến hành cắm biển báo không cho người dân qua lại trong đêm.

Trên địa bàn huyện miền núi biên giới A Lưới hiện có lượng mưa rất cao, tổng lượng mưa từ tối 9-11/11 là 414 mm. Chính quyền địa phương đang rà soát các hộ dân ở vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở núi khẩn trương di dời đến nơi tránh trú an toàn.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng, đến chiều 11/11, địa phương đã huy động phương tiện cơ giới khắc phục xong điểm sạt lở tại Km 76+500 trên tuyến quốc lộ 49A từ thành phố Huế đi lên huyện A Lưới và điểm sạt lở trên tuyến đường giao thông đến xã A Roàng. Theo dự kiến, 65 tấn gạo sẽ được xuất từ kho dự trữ quốc gia để hỗ trợ địa phương, tuy nhiên do điều kiện mưa lớn dễ gây ẩm mốc nên huyện A Lưới kiến nghị tỉnh Thừa Thiên-Huế tạm thời giữ lại, vận chuyển lên sau.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương nêu rõ, dự báo nước lũ trong đêm 11/11 tiếp tục dâng lên, vì vậy chính quyền địa phương cơ sở phải nắm chắc thông tin tình hình ngập lụt, cũng như nhu cầu của người dân; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để ứng cứu, hỗ trợ người dân bị đau ốm hoặc trường hợp nước lũ dâng cao không kịp đối phó.

Lượng mưa trên địa bàn tỉnh ngày 12/11 được dự báo sẽ giảm dần, tuy nhiên cần đề phòng mưa lớn cục bộ tại một số địa phương. Bên cạnh đó, cơn bão Vamco đang tiến vào biển Đông, có nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến Thừa Thiên-Huế vào chiều tối 14/11, do vậy chính quyền địa phương cần khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng ứng phó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục