Tị nạn khí hậu - Thách thức mới đối với thế giới

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ dân số Liên hợp quốc, từ nay đến năm 2050, thế giới sẽ có hơn 50 triệu người tị nạn vì lý do khí hậu.
Các làn sóng người tị nạn khí hậu sẽ là một thách thức mới đối với nhiều quốc gia tại châu Á cũng như trên toàn thế giới trong bối cảnh mực nước biển dâng cao, hạn hán kéo dài gây thiệt hại mùa màng, đất đai bị sa mạc hóa hay lũ lụt và thiên tai thường xuyên xảy ra.

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ dân số Liên hợp quốc, từ nay đến năm 2050 sẽ có hơn 50 triệu người tị nạn vì lý do khí hậu.

Nhưng nhiều công trình nghiên cứu khác cho thấy số này có thể lên tới 200 triệu. Thậm chí Hiệp hội Christian Aid của Anh còn đưa ra con số bi quan hơn là 1 tỷ người, tức một phần năm nhân loại phải rời bỏ quê quán từ nay đến giữa thế kỷ này.

Hiệp hội này cũng dự báo đến năm 2080, sẽ có từ 1 đến 3 tỷ người lâm vào tình cảnh thiếu nước sinh hoạt, từ 200 đến 600 triệu người chịu cảnh thiếu ăn.

Những kịch bản đen tối nhất đã đề cập đến nguy cơ mực nước biển dâng cao thêm 2m trong chưa đầy một thế kỷ tới, trực tiếp đe dọa sự sống còn của 60% trong số 39 thành phố lớn của thế giới, như New York, Amsterdam, Roma, Thượng Hải, Hongkong, Sedney...

Riêng tại Đông Nam Á, Quỹ Thế giới Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đưa ra giả thiết mực nước biển dâng cao thêm 0,5m, sẽ có 11 thành phố lớn với mật độ dân số rất cao, nằm sát biển hoặc ở các vùng đồng bằng phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt và thiên tai, trong đó phải kể đến các thành phố Dhaka (Bangladesh), Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines), Calcutta (Ấn Độ), Phnom Penh (Campuchia), Thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam), Thượng Hải (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Hongkong, Kuala Lumpur (Malaysia) và Singapore.

Từ viễn cảnh đen tối này, các chuyên gia đặt ra câu hỏi những quốc gia nào, những vùng đất nào có khả năng đón nhận thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu nạn nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo trong tương lai, khoảng 1/10 số cư dân sinh sống ở châu thổ sông Cửu Long của Việt Nam sẽ phải đối mặt với thảm họa mất nơi cư trú truyền thống do mực nước biển dâng cao.

Điều đáng quan ngại hơn là khu vực này được coi là vành đai xanh của Việt Nam - chiếm 40% diện tích đất canh tác, cung cấp 50% sản lượng lúa gạo và 80% sản lượng trái cây.

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc mong muốn cộng đồng quốc tế nhanh chóng tìm ra giải pháp tránh để xảy ra xung đột khu vực xuất phát từ làn sóng người tị nạn khí hậu.

Tuy nhiên, cho đến nay, quy chế “tị nạn khí hậu” vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận, bất chấp hiện tượng kể trên liên quan trực tiếp đến an ninh quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục