Tổ tiên người hiện đại ở Đông Á có chế độ ăn giàu carbohydrate

Những người hiện đại sống cách đây khoảng 120.000-80.000 năm ăn quả sồi, rễ, củ, hạt cỏ và một số loài thực vật chưa xác định, nhưng lại chưa tiến hóa để có thể hấp thụ cây nông nghiệp như lúa gạo.
Tổ tiên người hiện đại ở Đông Á có chế độ ăn giàu carbohydrate ảnh 1Quả sồi, rễ, củ, hạt cỏ... là thức ăn chính của tổ tiên người hiện đại ở Đông Á. (Nguồn: geneticliteracyproject.org)

Một phân tích gần đây về tinh bột trong vôi răng đã hé lộ bằng chứng trực tiếp sớm nhất về chế độ ăn giàu carbohydrate của người hominin cổ đại và thói quen xỉa răng của tổ tiên người Đông Á.

Những người hiện đại sống cách đây khoảng 120.000-80.000 năm này ăn quả sồi, rễ, củ, hạt cỏ và một số loài thực vật chưa xác định, nhưng lại chưa tiến hóa để có thể hấp thụ bất kỳ loại cây nông nghiệp nào như lúa gạo.

Một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã kiểm tra các hạt tinh bột trong vôi răng của người hominin trong hang Fuyan, những người săn bắn hái lượm sống ở khu vực nay là tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc và là một trong những nhóm người hiện đại sớm nhất ở Đông Á.

[Phát hiện dấu vết gene của 'bộ tộc ma' trong ADN người Tây Phi]

Theo nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Frontiers of Plant Science, có thể đã có một truyền thống lâu đời về việc ăn các nguồn thực vật giàu carbohydrate vào cuối Kỷ Pleistocen ở Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu từ Viện Cổ sinh vật có xương sống và Cổ nhân học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc cho biết thực phẩm thực vật là nguồn carbohydrate dồi dào giúp tăng đáng kể năng lượng cung cấp cho các mô của con người có nhu cầu glucose cao.

Một số hạt tinh bột đã bị hư hỏng, có thể do quá trình chế biến vì quả sồi chứa chất tanin và cần được chế biến trước khi ăn.

Các nhà nghiên cứu nhận định công nghệ chế biến thực phẩm có thể đã phát triển sớm hơn nhiều so với những gì được phát hiện trước đây.

Hóa thạch của một người còn cho thấy tình trạng sâu răng, vì ăn nhiều thực vật chứa tinh bột có thể dẫn đến sâu răng ở mức độ nhất định.

Các mảnh vụn lá thông trong vôi răng của 2 chiếc răng người hominin ở hang Fuyan, tương tự như những mảnh vụ lá thông được phát hiện ở nhóm người Neanderthal sinh sống tại một địa điểm 49.000 năm tuổi ở Tây Ban Nha.

Các nhà khoa học đã phát hiện một rãnh với nhiều vết xước nhỏ và song song trên cùng một chiếc răng.

Các mảnh vỡ và vết xước trên rãnh cho thấy người hominin trong hang Fuyan thường cọ xát vật gì đó vào giữa răng của họ, tương tự như người Neanderthal.

Phát hiện trên đã giúp giải thích lợi thế tiến hóa của những người hiện đại đầu tiên, khi việc tiêu thụ ngày càng nhiều tinh bột có thể cung cấp năng lượng cho não, vốn ngày càng phát triển, các mô cần glucose khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục