TP.HCM: Tái chế chất thải không đạt chuẩn

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ tái chế chất thải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn thành phố có gần 1000 cơ sở tái chế chất thải đang hoạt động, trong đó phần lớn là các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ với những trang thiết bị, máy móc cũ kỹ và công nghệ tái chế lạc hậu.

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ tái chế chất thải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên địa bàn thành phố có gần 1000 cơ sở tái chế chất thải đang hoạt động, trong đó phần lớn là các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ với những trang thiết bị, máy móc cũ kỹ và công nghệ tái chế lạc hậu.

Qua kết quả khảo sát, có đến 94% số cơ sở tái chế không có hệ thống xử lý nước thải và khoảng 84% cơ sở không có hệ thống xử lý khí thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Mỗi ngày, Thành phố Hồ Chí Minh thải ra trên 6000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong số đó, có khoảng 2000 tấn chất thải rắn công nghiệp có thể tái chế, sử dụng lại như giấy vụn, nhựa, nilon, thủy tinh, kim loại.

Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở tái chế chất thải là cơ sở nhỏ tập trung ở các quận 6, 8, 10, 11, Bình Tân, Tân Phú... với các máy móc, thiết bị phần lớn do cơ sở tự chế tạo hoặc mua công nghệ chế tạo trong nước theo kiểu bán tự động nên thiếu độ chuẩn xác.

Hệ thống máy móc lạc hậu trên gây ra việc lãng phí nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nơi sản xuất, nhất là không có hệ thống xử lý nước thải và xử lý khí thải đạt các tiêu chuẩn quy định của Nhà nước.

Các cơ sở tái chế cao su, nhựa giấy, bao bì sau khi di dời ra khỏi nội thành vẫn tiếp tục gây ô nhiễm nguồn nước kênh rạch, không khí của nhiều khu dân cư ở các quận, huyện vùng ven như Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

Để giảm bớt nạn ô nhiễm môi trường do hoạt động tái chế chất thải gây ra, từ tháng 1/2008, Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Quỹ tái chế chất thải với nguồn vốn điều lệ 50 tỷ đồng với mục đích cho các cơ sở tái chế chất thải quy mô nhỏ, dây chuyền tái chế lạc hậu được vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua sắm máy móc mới, trang thết bị hiện đại.

Việc hỗ trợ trên có thể giúp các cơ sở thay đổi công nghệ tái chế chất thải theo hướng bảo vệ môi trường, tăng cường tái sử dụng và tái chế chất thải thành những sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao hơn.

Tuy nhiên, dù đã hoạt động hơn một năm nay nhưng đến nay Quỹ tái chế chất thải Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có đồng vốn nào vì chưa hoàn tất các thủ tục giấy tờ.

Hiện nay, đã có 7 doanh nghiệp tái chế chất thải của Thành phố đề nghị xin vay trên 20 tỷ đồng từ Quỹ để cải thiện chất lượng tái chế chất thải, giảm bớt ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động.

Nhưng theo quy định, các cơ sở tái chế chất thải cũng chỉ được vay tối đa 200 triệu đồng/cơ sở. Như vậy, với số tiền hỗ trợ trên cũng không đủ để giúp các cơ sở trang bị mới máy móc, xây dựng các hệ thống xử lý nước thải, khí thải.

Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho nạn ô nhiễm môi trường nước và không khí do quá trình tái chế chất thải ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng gia tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục