Tranh cãi đánh thuế nhà: Ngân sách hụt thu, người dân chịu gánh nặng?

Về ngưỡng chịu thuế 700 triệu đồng mà Bộ Tài chính đưa ra, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, ngay cả nhà ở xã hội mà người dân mua theo các gói vay ưu đãi của Nhà nước cũng vượt quá mức trên.
Tranh cãi đánh thuế nhà: Ngân sách hụt thu, người dân chịu gánh nặng? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo đề xuất đánh thuế tài sản là nhà ở với ngưỡng chịu thuế là 700 triệu đồng, nhiều người tỏ ra lo lắng vì nếu thành hiện thực, mỗi năm một hộ gia đình có thể phải đóng thêm tiền triệu.

Với những người trong ngành tài chính, đánh thuế tài sản không phải là câu chuyện xa lạ và thậm chí ra đời rất lâu ở các nước. Thế nhưng, với Việt Nam, ngưỡng chịu thuế và mức thuề đề xuất của cơ quan chức năng lại khiến nhiều chuyên gia tỏ ra lo lắng.

[Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với nhà ở và các công trình thương mại]

Mất tiền triệu mỗi năm

Vợ chồng ông Quang Dũng, bà Dương Chinh hiện đang sống tại căn nhà 50m2 trên phố Phạm Tuấn Tài (quận Cầu Giấy). Đây là căn nhà hai ông bà để dành nhiều năm mới đủ tiền xây mới.

Với mức đề xuất trong dự thảo, ông bà nhẩm tính, căn nhà 3 tầng (diện tích sàn khoảng 150m2) của mình sẽ có giá nhà là hơn 1,1 tỷ đồng.

Với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng, phần giá nhà tính thuế còn lại là trên 400 triệu đồng. Nhân với mức thuế suất dự kiến là 0,4%, ông bà tính ra, một năm tiền thuế tài sản với nhà của ông bà là gần 1,7 triệu đồng. Số tiền trên chưa kể tiền thuế tài sản với đất phải nộp hàng năm.

Bà Chinh cho biết, hai vợ chồng là cán bộ đã về hưu, mức lương hưu của cả 2 người hầu như chỉ đủ chi tiêu thức ăn hàng ngày và tiền thuốc men. Thậm chí, một số loại thuốc được hướng dẫn dùng nhưng đắt tiền, ông bà cũng phải hạn chế. Bởi vậy, số tiền phải nộp thêm hàng năm như trên đồng nghĩa hai người sẽ phải chắt bóp thêm hàng tháng vài trăm nghìn đồng để đủ tiền trả thuế.

“Chúng tôi không phải là không nộp được số tiền trên nhưng đó là gánh nặng không nhỏ,” bà Chinh nói.

Tâm tư trên không chỉ của riêng mình hai vợ chồng về hưu. Không ít người dân đã tỏ ra ngỡ ngàng vì đề xuất mới đây thu thuế tài sản với nhà, đất của Bộ Tài chính.

Anh Ngô Đức Hải, nhà trên phố Đỗ Quang (Cầu Giấy, Hà Nội) thì tính toán, với diện tích sàn nhà anh, một năm anh có thể phải đóng gần 4 triệu đồng tiền thuế.

Với mức thu nhập của hai vợ chồng và bố mẹ anh vẫn còn công tác, đây không phải là số tiền quá mức chi trả của gia đình. Tuy nhiên, anh bày tỏ thắc mắc: “Tiền thuế sử dụng đất gia đình tôi đã đóng hàng năm. Còn việc xây nhà là của gia đình bỏ tiền ra, vì sao bây giờ khi xây xong, lại phải đóng thêm tiền thuế cho chính căn nhà ấy.”

Khi thu ngân sách đang “nghiêm trọng”

Tỏ ra thấu hiểu những lo lắng này, phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, bất kỳ doanh nghiệp, cá nhân nào khi nói tới việc đánh thuế đều sẽ có phản ứng nhất định.

Tuy nhiên, theo ông, thuế tài sản là loại thuế quan trọng với các nước phát triển để có nguồn thu một cách thường xuyên cho ngân sách Nhà nước.

Trước đó, theo lý giải của Bộ Tài chính, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia đánh thuế nhà. Bộ này lấy ví dụ Hàn Quốc quy định các loại nhà chịu thuế tài sản gồm nhà ở, nhà cho sân golf, tòa nhà dùng để làm nhà máy ở khu dân cư và các tòa nhà với mục đích khác.

Singapore quy định thu thuế đối với nhà ở, tòa nhà trong đó có nhà thương mại, công nghiệp. Tương tự, Philippines quy định các loại nhà chịu thuế gồm nhà ở, nhà kinh doanh. Campuchia cũng quy định thu thuế đối với nhà ở, tòa nhà và công trình trên đất.

Tranh cãi đánh thuế nhà: Ngân sách hụt thu, người dân chịu gánh nặng? ảnh 2Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Tuấn Anh/TTXVN)

Quay lại với Việt Nam, phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thu ngân sách năm 2017 và đặc biệt là những tháng đầu năm nay đang là vấn đề nghiêm trọng khi thu ngân sách từ thuế xuất nhập khẩu giảm đi “một cách khủng khiếp.”

Ông cho rằng, từ mức thuế suất 20-30%, nhiều mặt hàng hiện chỉ có mức thuế khoảng 3% khiến nguồn thu giảm trong khi chi tiêu dù chắt bóp nhưng không hề giảm.

Bởi vậy, theo ông, vấn đề hiện tại là phải cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, xem xét các luật thuế trong đó có thuế tài sản. Ông cho rằng, Nhà nước phải quản lý, duy trì, đảm bảo tài sản của người dân an toàn. Bởi vậy, thuế tài sản là một trong những nguồn thu phải tính tới.

Ngưỡng 700 triệu đồng quá thấp?

Đồng quan điểm luật thuế tài sản là cần thiết nhưng ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico lại tỏ ra lo lắng vì trong bối cảnh hiện nay, việc thu thuế có thể tạo ra gánh nặng cho người dân. Ông cho rằng, để mua được nhà, đại đa số người dân phải làm việc cật lực, tiết kiệm chi tiêu, sống rất khó khăn vất vả.

Đặc biệt, nói về ngưỡng chịu thuế 700 triệu đồng mà Bộ Tài chính đưa ra, ông cho rằng, ngay cả nhà ở xã hội mà người dân mua theo các gói vay ưu đãi của Nhà nước cũng đã có giá trị vượt quá mức trên.

Theo vị chuyên gia này, thuế tài sản thường đánh vào người giàu, vào tài sản có giá trị lớn cỡ hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Trong khi ấy, đề xuất của cơ quan chức năng chỉ là 700 triệu đồng, đây là mức theo ông là “bất hợp lý.”

Đặc biệt, ông nhắc tới việc, cách đây vài năm, cơ quan chức năng đã triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp mua nhà có giá trị dưới 1 tỷ đồng. Từ đó, ông đặt ra câu hỏi, tiêu chí nào ban soạn thảo đưa ra ngưỡng 700 triệu đồng phải đóng thuế tài sản?

Cũng góp ý với ngưỡng chịu thuế này, phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc xác định mức tối thiểu cần xem xét cho hợp lý. Ngoài ra, cơ sở nào đưa ra ngưỡng chịu thuế và mức thuế cần làm rõ để người dân cùng hiểu.

Còn Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, ông đưa ra đề xuất, nên áp dụng thuế suất 0% đối với nhà ở có giá trị từ 1 tỷ đồng trở xuống để hỗ trợ thiết thực cho những người có thu nhập trung bình thấp và thấp trong xã hội.

“Hiệp hội nhận thấy dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính chỉ đề xuất áp dụng thuế suất 0% đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở xuống thì chưa thật thỏa đáng,” đại diện hiệp hội này lên tiếng.

Ngoài ra, ông Châu cũng bày tỏ tán thành việc áp dụng mức thuế suất 1% (cao hơn mức 0,4%) đối với đất sử dụng không đúng mục đích, đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế không đưa vào sử dụng. Theo ông, điều này nhằm khuyến khích đưa nhà, đất vào sử dụng, tránh lãng phí, chống bao chiếm, đầu cơ nhà, đất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục