Tranh luận về “đường đi” của 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ của VNCB

Theo đề nghị ở phiên xử ngày 29/1, Hội đồng xét xử quay lại xét hỏi về 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ của VNCB và hành vi phạm tội của ba bị cáo thuộc BIDV Chi nhánh Gia Định
Tranh luận về “đường đi” của 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ của VNCB ảnh 1Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Ngày 1/2, sau một ngày tạm nghỉ, phiên tòa xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2 đã tiếp tục phần tranh tụng.

Theo đề nghị của các luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh ở phiên xử ngày 29/1, Hội đồng xét xử quay lại xét hỏi về 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ của VNCB và hành vi phạm tội của ba bị cáo thuộc BIDV Chi nhánh Gia Định.

Sau khi xét hỏi xong hai nội dung trên, đại diện Viện Kiểm sát sẽ tranh luận xung quanh nội dung xét hỏi bổ sung, không quay lại các nội dung khác đã được tranh luận suốt 2 tuần qua.

Trước đó tại tòa, bị cáo Phạm Công Danh khai sử dụng 4.500 tỷ đồng từ tổng số tiền vay tại BIDV, TPBank nộp vào VNCB để tăng vốn điều lệ nhưng không được Ngân hàng Nhà nước đồng ý.

Bị cáo Phạm Công Danh yêu cầu được đối trừ thiệt hại, khắc phục hậu quả cho vụ án. Ngược lại, VNCB cho rằng, 4.500 tỷ đồng này đã được VNCB sử dụng hết, đồng thời số tiền này đã "hòa chung" vào dòng tiền của VNCB.

[Xử Phạm Công Danh: Luật sư tranh tụng nghĩa vụ bồi hoàn 6.126 tỷ đồng]

Từ đó, các luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh đã yêu cầu Hội đồng xét xử triệu tập kiểm toán viên của Công ty kiểm toán Ernst & Young để làm rõ các nội dung trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014 của VNCB, từ đó tìm ra “đường đi” của 4.500 tỷ.

Tuy nhiên, đại diện Công ty kiểm toán Ernst & Young có mặt tại tòa chỉ "ghi nhận lại các câu hỏi," sau đó về báo cáo với lãnh đạo và sẽ trả lời bằng văn bản gửi đến Hội đồng xét xử.

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, số tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ là vật chứng vụ án nên không đề nghị thu hồi.

Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử trao quyền cho bị cáo Phạm Công Danh khởi kiện dân sự VNCB về khoản tiền này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Phạm Công Danh.

Tuy nhiên, các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh không chấp nhận quan điểm của Viện Kiểm sát, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu để có đánh giá khách quan, toàn diện vụ án, giải quyết dứt điểm về khoản tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ VNCB trong vụ án hình sự này.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã cho các bị cáo Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương chất vấn đại diện VNCB.

Theo đó, bị cáo Mai Hữu Khương hỏi đại diện VNCB về số tiền 4.500 tỷ đồng sau khi chuyển VNCB để tăng vốn điều lệ nhưng không tăng thì tiền này là tiền của ông Phạm Công Danh hay của ai?

Bị cáo Phan Thành Mai yêu cầu làm rõ nguồn tiền tại VNCB từ 14/2/2014; dòng tiền từ ngày 31/5/2014 đến khi vụ án bị khởi tố vào 6/7/2014 và đề nghị làm rõ dòng tiền 4.500 tỷ đồng được hạch toán như thế nào vào cuối năm 2014.

Tuy nhiên, đại diện VNCB cũng chỉ ghi nhận các câu hỏi của các bị cáo và sẽ trả lời sau bằng văn bản gửi Hội đồng xét xử. Chiều cùng ngày, phiên tòa quay trở lại phần tranh tụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục