Triển lãm hình tượng người phụ nữ trong điện ảnh

Triển lãm khắc họa rõ nét vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam trong khói lửa chiến tranh cũng như trong thời xây dựng, đổi mới đất nước.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế phụ nữ (8/3) và Ngày điện ảnh Việt Nam (15/3), chiều 5/3, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam phối hợp với Viện phim Việt Nam tổ chức triển lãm “Hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong các tác phẩm điện ảnh”.

Thông qua 120 ảnh, 28 tấm áp phích giới thiệu 136 bộ phim tiêu biểu, triển lãm khắc họa rõ nét vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong khói lửa chiến tranh cũng như trong thời kỳ xây dựng, đổi mới đất nước.

Nội dung triển lãm được trưng bày theo 3 giai đoạn, gồm Phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến (1959-1975), Phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ xây dựng đất nước (1976-1986), Phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ xóa bỏ bao cấp; kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế (từ 1987 đến nay).

Ngay từ những bộ phim truyện đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, người phụ nữ đã trở thành hình tượng nghệ thuật tiêu biểu, góp phần quan trọng chuyển tải ý đồ, tư tưởng của các đạo diễn.

Đó là những người phụ nữ yêu nước, yêu xóm làng, yêu gia đình; trung kiên, anh dũng trong chiến đấu và cũng vô cùng nhân hậu, vị tha; hòa mình vào dòng chảy của đất nước, của cách mạng. Đó là chị Hoài trong “Chung một dòng sông”, chị Tư Hậu trong “Chị Tư Hậu”, Mỵ trong "Vợ chồng A Phủ"... Đặc biệt là nhân vật Dịu trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” do nghệ sĩ nhân dân Trà Giang thể hiện, đã đoạt giải diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Mátxơcơva năm 1973.

Chiến tranh qua đi, hình tượng người phụ nữ trong điện ảnh được đặt trong một bối cảnh mới, xây dựng và kiến thiết đất nước. Đồng thời, đề tài về chiến tranh vẫn được xuyên suốt. Nhiều bộ phim được giải thưởng cao như “Cánh đồng hoang”, “Mùa gió chướng”, “Mẹ vắng nhà”… Nhân vật nữ tiêu biểu của điện ảnh thời kỳ này là Duyên trong bộ phim “Bao giờ cho đến tháng 10” của đạo diễn Đặng Nhật Minh - người phụ nữ với nỗi đau mất mát trong chiến tranh và sự chèo chống mạnh mẽ để vươn lên trước những khó khăn, vất vả trong cuộc sống.

Bước sang thời kỳ đổi mới, câu chuyện về người phụ nữ trong chiến tranh, thời hậu chiến và cuộc sống hiện nay được đặc biệt quan tâm. Bộ phim “Ngã ba Đồng Lộc” (Giải Bông sen vàng năm 1999) của đạo diễn Lưu Trọng Ninh phản ánh sinh động thế giới nội tâm với lòng khát khao yêu đời, thiết tha với niềm tin chiến thắng của mười cô gái thanh niên xung phong trong bom đạn cũng như những giây phút bình yên.

Người phụ nữ Viêt Nam trong điện ảnh còn là những con người chịu hy sinh, éo le sau cuộc chiến như 2 người vợ trong phim "Đời cát"; những người đàn bà phải vật lộn trong cuộc mưu sinh trong "Giải hạn", "Hải Nguyệt"; kiếp sống phù du của những cô gái nhảy đáng thương trong phim “Gái nhảy". Gần đây, bộ phim “Áo lụa Hà Đông” của đạo diễn Lưu Huỳnh với nhân vật Dần là một điển hình cho người phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó, tượng trưng cho đức hạnh và sự dịu dàng đáng mến...

Dù là ai, ở đâu và đang trong hoàn cảnh nào, những người phụ nữ ấy vẫn luôn được yêu thương, tôn trọng. Và trên hết, những cố gắng, hy sinh của họ trong giữ gìn hạnh phúc của mỗi gia đình, sự bình yên của xã hội cũng là phần việc thiêng liêng mà bất cứ xã hội nào cũng cần hướng tới.

Trong khuôn khổ triển lãm, ngày 12/3, Viện Phim Việt Nam và Bảo tàng phụ nữ Việt Nam sẽ tổ chức buổi giao lưu với các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam như các nghệ sĩ nhân dân như Trà Giang, Bạch Diệp, Như Quỳnh, Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Trần Phương; các nghệ sĩ ưu tú Minh Châu, Thanh Quý, Thu An; Phó giáo sư-tiến sĩ Trần Luân Kim....

Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 5/4 tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam./.

Thanh Hòa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục