Triều Tiên-Hàn Quốc chính thức nối lại đường dây liên lạc liên Triều

Chiều 3/1, Triều Tiên và Hàn Quốc chính thức nối lại đường dây liên lạc liên Triều vốn bị ngừng từ năm 2016, để có thể tiến hành cuộc đàm phán theo đề nghị từ Seoul về việc Triều
Triều Tiên-Hàn Quốc chính thức nối lại đường dây liên lạc liên Triều ảnh 1Đường dây nóng liên Triều được lắp đặt tại khu vực an ninh chung, làng đình chiến Panmunjom, tháng 7/2016. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Chiều 3/1, Triều Tiên và Hàn Quốc đã chính thức nối lại đường dây liên lạc liên Triều vốn bị ngừng hoạt động từ năm 2016, để có thể tiến hành các cuộc đàm phán theo đề nghị từ phía Seoul về việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông PyeongChang sắp diễn ra tại Hàn Quốc.

Trong một thông báo, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã liên lạc trước thông qua kênh đối thoại này và hai bên đã trao đổi 20 phút để kiểm tra các vấn đề kỹ thuật.

Trước đó, giới chức Triều Tiên cho biết sẽ mở lại kênh đối thoại tại làng đình chiến Panmunjeom ở biên giới hai nước.

Triều Tiên đã ngừng hai kênh liên lạc liên Triều, trong đó có cả đường dây nóng quân sự, vào tháng 2/2016 để phản đối việc Hàn Quốc cho đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong.

Động thái trên của Triều Tiên diễn ra giữa lúc quan hệ liên Triều có nhiều tín hiệu tích cực.

Hiện hai bên đang xúc tiến thảo luận về việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 1/1 vừa qua tuyên bố sẽ xem xét khả năng cử đoàn tới tham gia sự kiện thể thao sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc vào tháng tới này.

Hàn Quốc cũng đã đề nghị tiến hành đàm phán cấp cao với Triều Tiên vào ngày 9/2 tới.

Phản ứng trước động thái trên của Triều Tiên, các đảng chính trị tại Hàn Quốc đã đồng loạt hoan nghênh quyết định của Bình Nhưỡng và bày tỏ hy vọng động thái này sẽ giúp "tan băng" mối quan hệ song phương.

Tuy nhiên, một số đảng bảo thủ vẫn tỏ ra thận trọng, cho rằng có khả năng Bình Nhưỡng lợi dụng đối thoại liên Triều để có thêm thời gian hoàn thiện chương trình hạt nhân của mình.

Trước các tiến triển trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ và Hàn Quốc đã tái khẳng định sẽ cùng tiếp tục các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên một cách hòa bình bằng sự phối hợp chặt chẽ.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong một cuộc điện đàm, hai ngoại trưởng đã thảo luận về diễn biến gần đây liên quan đến bài phát biểu đầu năm của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

[Chính phủ Hàn Quốc hoan nghênh Triều Tiên nối lại kênh liên lạc]

Trong đó Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã giải thích với người đồng cấp Mỹ về lý do Seoul mong muốn tiến hành đối thoại với Bình Nhưỡng đồng thời nhấn mạnh mục tiêu cải thiện quan hệ liên Triều và giải quyết vấn đề hạt nhân một cách hòa bình qua sự kiện thể thao sắp tới.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhất trí duy trì sự phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo con đường phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Về việc chuẩn bị cho Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018, người đứng đầu ủy ban tổ chức Lee Hee-Beom cũng khẳng định nước chủ nhà Hàn Quốc sẽ sẵn sàng tiếp đón nếu Triều Tiên quyết định tham gia.

Phát biểu với báo giới, ông Lee Hee-Beom cho biết Hàn Quốc vẫn luôn chuẩn bị cho việc Triều Tiên sẽ tham dự theo đó, phía Hàn Quốc sẽ cung cấp tàu để đưa đón các vận động viên cũng như chuẩn bị nơi ăn ở cho đoàn Triều Tiên, thậm chí cả trong trường hợp Bình Nhưỡng cử thêm lực lượng cổ vũ và hậu cần.

Quan chức Hàn Quốc cho biết Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cũng nhiều lần khẳng định sẽ hỗ trợ Triều Tiên tham gia Thế vận hội.

Thống đốc Choi Moon-Soon của tỉnh Gangwon, nơi diễn ra Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 thông báo tỉnh này sẽ điều tàu đến Triều Tiên để đưa đón phái đoàn của Bình Nhưỡng.

Theo ông, đây là một giải pháp thuận tiện cho các vấn đề an ninh và chỗ ở. Ông Choi Moon-soon cho biết đề xuất này đã nhận được phản ứng tích cực từ phía quan chức Triều Tiên.

Nếu tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018, đây sẽ là lần đầu tiên Triều Tiên có mặt tại một kỳ Thế vận hội tổ chức tại Hàn Quốc.

Bình Nhưỡng đã tham dự mọi kỳ Olympic kể từ năm 1972, ngoại trừ hai lần họ tẩy chay ở Olympic mùa Hè 1984 ở Los Angeles (Mỹ) và Olympic mùa Hè 1988 ở Seoul (Hàn Quốc)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục