Tối 17/11, tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia), buổi trình diễn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã diễn ra trước đông đảo khán giả quốc tế và cộng đồng cư dân địa phương.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Phạm Cao Phong, đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đêm văn hóa Việt Nam do Đại sứ quán tổ chức với sự phối hợp và giúp đỡ của Bộ Ngoại giao và Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đặc phái viên Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề UNESCO khẳng định mục đích của buổi trình diễn là giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về loại hình văn hóa tín ngưỡng đặc sắc này cũng như những nét độc đáo và đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.
Buổi trình diễn có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh khi chỉ còn khoảng 10 ngày nữa Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể xem xét hồ sơ do Việt Nam đệ trình về “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt."
Buổi trình diễn đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với người xem về một loại hình văn hóa tín ngưỡng độc đáo của Việt Nam.
Tại đây, khán giả cũng đánh giá cao ý nghĩa mà tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt hướng đến. Đó là sự kính trọng, đề cao vai trò của người Mẹ, đồng thời coi trọng việc bảo tồn sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo, sắc tộc, bình đẳng giới cũng như mong muốn hướng đến một cuộc sống ổn định, gắn bó với thiên nhiên và tích cực bảo vệ môi trường của người Việt Nam.
Theo ông Phạm Sanh Châu, đạo Mẫu là đạo gốc của người Việt, do người Việt sáng tạo. Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ (có nơi còn gọi là Mẫu tứ phủ) của người Việt là một thể loại nghi lễ được thực hành ở các tỉnh trung du miền Bắc Việt Nam, có từ thế kỷ thứ 16.
Đây là loại hình nghệ thuật rất đặc biệt, thể hiện sự tương tác và sự kính trọng của con người đối với người Mẹ - trung tâm của vũ trụ. Đó là hình tượng người mẹ Trái Đất, mẹ của nước, mẹ của rừng. Điều này cũng thể hiện đúng tinh thần của UNESCO, coi trọng vị trí và vai trò của người phụ nữ cũng như bình đẳng giới, coi trọng vấn đề bảo tồn môi trường, bảo tồn rừng, bảo tồn nước và phát triển bền vững vì một tương lai tốt đẹp.
Bên cạnh đó, với các hình tượng nghi lễ đa dạng, từ các vị thần thánh, các anh hùng dân tộc cho đến những người dân bình thường thuộc các vùng miền và dân tộc khác nhau, đạo Mẫu Việt Nam thể hiện sự tôn trọng đối với tính đa tôn giáo, đa văn hóa và đa sắc tộc.
Đây là điều luôn được UNESCO đề cao và xem như một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của nhân loại./.