Trở ngại đối với triển vọng thay đổi chính trị tại Liban

Chuyên gia Hokayem nhận định mặc dù phải đối mặt với những khó khăn trong việc đảm bảo lương thực và chăm sóc y tế, nhưng hệ thống chính trị của Liban lại có thể được củng cố một cách nghịch lý.
Trong ảnh: Tân Thủ tướng Liban Mustapha Adib (giữa) phát biểu trong cuộc họp báo tại Beirut ngày 31/8/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Trong ảnh: Tân Thủ tướng Liban Mustapha Adib (giữa) phát biểu trong cuộc họp báo tại Beirut ngày 31/8/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ba tuần sau chuyến thăm thủ đô Beirut (Liban) để xem xét thiệt hại do vụ nổ ở cảng Beirut, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quay trở lại Liban vào tối 31/8.

Mục tiêu chính của chuyến đi này là thúc giục các đảng phái chính trị địa phương thành lập một "chính phủ hành động" thực sự để ứng phó với các tình huống khẩn cấp về nhân đạo và kinh tế.

Trả lời phỏng vấn của báo Le Monde (Pháp), chuyên gia Emile Hokayem thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London (Anh) đã điểm lại những trở ngại đối với kỳ vọng của nhà lãnh đạo Pháp. Ông tỏ ra nghi ngờ về triển vọng thay đổi chính trị ở Liban.

Trước thông báo về việc nhà ngoại giao thuần túy Mustapha Adib, Đại sứ Liban tại Đức, được các đảng phái lớn đề cử vào chức vụ thủ tướng Liban, chỉ vài giờ trước khi ông Macron tới thủ đô Beirut, ông Hokayem đánh giá đây là một sự lựa chọn khá thất vọng và sẽ hạn chế sự tác động của Pháp.

Ông Adib không có uy tín hoặc mạng lưới riêng để đối phó với tình hình khủng hoảng của đất nước. Paris phải chấp nhận thực tế là nội bộ Liban có nhiều thế lực ra sức ngăn cản một nhân vật gần gũi với các nhà cải cách lên nắm quyền, cho dù đối với chính phủ hành động hay chính phủ chuyển tiếp.

Hiện nay, Pháp phải chờ đợi Liban công bố thành phần của chính phủ để có ý tưởng rõ ràng hơn về những gì đang diễn ra.

Ông Hokayem nhấn mạnh rằng vấn đề cơ bản nằm ở giới tinh hoa Liban chứ không phải ở chính sách đối ngoại của Pháp.

Sau chuyến thăm của ông Macron ngày 6/8, giới chức Liban đã tin rằng sự thương cảm của quốc tế trước thảm họa tại thủ đô Beirut sẽ giúp giảm bớt các điều kiện cho một cuộc giải cứu kinh tế và tài chính.

Họ cũng cho rằng cộng đồng quốc tế sẽ linh hoạt hơn với Liban, không gây áp lực cải cách như trước.

Trong 30 năm qua, giới chức Liban đã có thói quen nhận được mọi thứ họ muốn từ cộng đồng quốc tế. Tuy họ bắt đầu nhận thức được quy mô của thảm họa, nhưng họ vẫn chỉ quan tâm làm thế nào để có được "phần lớn nhất của chiếc bánh đang bị thu nhỏ nhanh chóng."

Trở ngại đối với triển vọng thay đổi chính trị tại Liban ảnh 1Cảnh tàn phá sau vụ nổ tại Beirut, Liban, ngày 17/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo ông Hokayem, ông Macron đã mắc một sai lầm nhỏ khi đề cập đến "chính phủ đoàn kết dân tộc," một cách diễn đạt mà nhiều người ở Liban đánh đồng với những gì đã dẫn đến những cuộc khủng hoảng hiện tại, nghĩa là sự chia sẻ quyền lực giữa giới tinh hoa tự mãn.

Tương tự như vậy, ông Macron nói về một "hiệp ước chính trị" mới, khiến nhiều người vội tin rằng ông đang kêu gọi thay đổi hiến pháp.

[Sứ mệnh đưa Liban thoát khỏi khủng hoảng khó hoàn thành]

Ông Hokayem nhận định rằng mặc dù phải đối mặt với những khó khăn trong việc đảm bảo lương thực và chăm sóc y tế, nhưng hệ thống chính trị của Liban lại có thể được củng cố một cách nghịch lý.

Điều đó là vì trong một cuộc khủng hoảng cận kề, người ta sẽ bớt quan tâm đến những cải cách cơ cấu thượng tầng. Họ sẽ chỉ cần được cung cấp các dịch vụ cơ bản để có được cảm giác sống trong một xã hội có an ninh trật tự.

Kể từ tháng 10/2019, một cuộc vận động quần chúng quy mô lớn đã mang lại hy vọng về áp lực đường phố buộc giới tinh hoa Liban phải cải tổ.

Tuy nhiên, phong trào này đã không thể chuyển thành một lực lượng chính trị. Theo ông Hokayem, đây là một trong những lý do cơ bản dẫn đến sự thất bại của phong trào này. Đó cũng là một phong trào không có cương lĩnh chính trị, không có nhân vật uy tín làm lãnh đạo.

Sau đó là những mâu thuẫn bên trong nội bộ, giữa những người muốn nhiều hơn và những người muốn ít hơn từ Nhà nước, giữa những người chỉ yêu cầu cải cách chính trị và những người kiên quyết giải trừ phong trào Hezbollah trước tiên.

Cách đây 10 năm, Liban vẫn là một trong ba ưu tiên của khu vực, nhận được sự giúp đỡ không gì sánh được.

Tình hình đã thay đổi trong bối cảnh khu vực hiện nay với nguy cơ xung đột giữa Yemen và Libya, Syria bị chia cắt, căng thẳng giữa Mỹ và Iran...

Vụ nổ cảng Beirut đã tạo ra sự đồng cảm của cộng đồng quốc tế, song ngoài Pháp, không có quốc gia nào tham gia vào "trò chơi" chính trị ở Liban.

Ông Hokayem nhận định Paris đang mạo hiểm nhưng điều này gắn với giá trị biểu tượng hơn là giá trị chiến lược của Liban.

Ở cấp độ địa chính trị, thế giới đang chứng kiến sự rút lui của các lực lượng dòng Sunni ở Liban.

Ảnh hưởng của Hồi giáo dòng Sunni tại Liban đã suy yếu lâu nay. Cộng đồng này chưa bao giờ có thể tìm được người thay thế cựu Thủ tướng Rafic Hariri bị ám sát hồi đầu năm 2005.

Việc rút lui của Saudi Arabia cũng có tác động rất lớn. Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đã cố gắng tham gia, lấp khoảng trống do Saudi Arabia để lại, song không thể có được sự đầu tư tương tự.

Trong khi đó, phong trào Hezbollah của người Hồi giáo dòng Shi'ite, dù bị chỉ trích nhiều nhưng vẫn mạnh hơn tất cả.

Không đảng phái lớn nào có hứng thú với cải cách, quyền phủ quyết nằm trong tay Hezbollah.

Theo ông Hokayem, điểm mấu chốt của vấn đề là những cải cách này sẽ thay đổi bản chất của Nhà nước, giúp Chính phủ Liban kiểm soát tốt hơn biên giới và lãnh thổ. Điều này sẽ gây khó khăn cho Hezbollah, một "Nhà nước" trong Nhà nước Liban.

Hezbollah hiện là phe phái duy nhất có quyền phủ quyết chiến lược đối với đề cử chức vụ thủ tướng hoặc các định hướng chính của đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục