Trung Đông bước vào giai đoạn hậu chia rẽ giáo phái?

Nếu phong trào biểu tình ở Liban và Iraq lật đổ được các ban lãnh đạo truyền thống dựa trên giáo phái thì nước bên ngoài bị thua thiệt nhiều nhất sẽ là Iran.
Trung Đông bước vào giai đoạn hậu chia rẽ giáo phái? ảnh 1Người biểu tình phản đối Chính phủ tuần hành tại Tripoli, Liban. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng aspistrategist.org.au, các cuộc biểu tình chống chính phủ đã và đang bùng phát dữ dội ở Iraq và Liban trong những tuần qua, phát đi hai thông điệp mạnh mẽ.

Thứ nhất, người dân đã chán ngấy tình trạng giới tinh anh cầm quyền tham nhũng đang tìm mọi thủ đoạn để duy trì quyền lực.

Mặc dù ở cả hai nước này đều tồn tại chế độ đa đảng, nhưng việc quản lý điều hành lâu nay mang tính chất “xoay vòng” với việc cùng các nhân vật lãnh đạo xoay vòng lên làm lãnh đạo.

Thứ hai, tình trạng chia rẽ giáo phái đang đi vào quá trình phân hóa khi thành viên của tất cả giáo phái đều hùa vào để thách thức các đảng phái chính trị đã được thiết lập và những nhân vật quyền lực lãnh đạo các đảng này.

[Làn sóng mới đang làm rung chuyển thế giới Arab]

Những thông điệp này được chào đón ở một khu vực được biết đến với nạn tham nhũng, các nhà cai trị chuyên quyền và các cuộc đấu tranh giáo phái. Hình thức cai trị của Liban đã bị chia rẽ giữa các cộng đồng chính trị và tôn giáo kể từ khi thành lập nền cộng hòa hồi năm 1943.

Các vị trí trong nội các và đại diện trong quốc hội được phân bổ theo tỷ lệ giáo phái. Điều này giúp các đảng Thiên chúa giáo và lực lượng bán quân sự chiếm một vị thế mạnh mẽ trong nền tảng chính trị Liban vốn không thể bị lung lay cho đến thời điểm này.

Vai trò thống trị của các lực lượng Hezbollah trong nền tảng chính trị của cộng đồng Hồi giáo theo dòng Shi'ite hàng chục năm qua là một minh chứng sống động cho hiện tượng này. Trong nền chính trị Liban, lực lượng bán quân sự theo Cơ đốc giáo và Hồi giáo cũng hoạt động với nguyên tắc tương tự.

Iraq đã chịu sự cai trị của đảng Ba’ath trong hàng chục năm cho đến khi Mỹ xâm lược vào năm 2003. Tuy nhiên, sự xâm chiếm của Mỹ, với việc hủy hoại cấu trúc nhà nước ở Iraq, đã làm nảy sinh các đảng và lực lượng bán quân sự mang tính giáo phái vốn đóng vai trò như những lực lượng cung cấp an ninh cho các cộng đồng dân cư tương ứng của họ.

Trung Đông bước vào giai đoạn hậu chia rẽ giáo phái? ảnh 2Người biểu tình Iraq tại cây cầu al-Jumhuriya dẫn đến Vùng Xanh, nơi được bảo vệ nghiêm ngặt ở thủ đô Baghdad. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính trị ở Iraq mang tính giáo phái hoàn toàn, với việc tất cả các đảng phái hoạt động trên cơ sở giáo phái.

Ở cả Iraq và Liban, các phong trào biểu tình ảnh hưởng đến cả các cộng đồng giáo phái, đem lại hy vọng le lói rằng cả hai nước đang vượt ra ngoài phạm vi của những chia rẽ giáo phái để hủy hoại sự kiểm soát của ban lãnh đạo theo Thiên chúa giáo truyền thống. Minh chứng đáng kể nhất của sự thay đổi này là thách thức đang được đặt ra trước Hezbollah, vốn là một tổ chức chính trị và quân sự có các lực lượng nòng cốt có tính kỷ luật.

Xét trong bối cảnh Hezbollah là lực lượng bảo vệ của cộng đồng Hồi giáo dòng Shi'ite, tổ chức chính trị của Hezbollah, sức mạnh quân sự và sự hậu thuẫn tài chính của Iran, khó có thể hình dung được khi một thách thức có thể nổi lên gần đây lại xuất phát từ chính cộng đồng người Hồi giáo dòng Shia.

Tuy nhiên, thách thức này không chỉ hạn hẹp đối với Hezbollah. Thủ tướng theo dòng Hồi giáo Sunni là Saad Hariri cũng mất tín nhiệm trong lực lượng cử tri dòng Sunni của ông và đã buộc phải từ chức. Tổng thống Liban Michel Aoun thuộc phái Thiên chúa giáo cũng chịu sức ép tương tự từ chính lực lượng cử tri Thiên chúa giáo.

Những diễn biến nói trên cũng được nhìn nhận ở góc độ quốc tế. Nếu phong trào biểu tình ở Liban và Iraq lật đổ được các ban lãnh đạo truyền thống dựa trên giáo phái thì nước bên ngoài bị thua thiệt nhiều nhất sẽ là Iran.

Iran đã đầu tư không ít công sức vào việc xây dựng lực lượng Hezbollah ở Liban và một số đảng phái theo dòng Hồi giáo Shia ở Iraq. Iran cũng giúp thiết lập lực lượng bán quân sự dòng Hồi giáo Shi'ite ở Iraq vốn đã đóng vai trò hỗ trợ các mục tiêu của Iran ở Iraq và Syria.

Nếu Hezbollah để mất uy tín trong số các cử tri dòng Hồi giáo Shi'ite thì Iran sẽ đánh mất tầm ảnh hưởng của mình ở Liban, nơi mà Tehran coi là đóng vai trò thiết yếu cho cuộc đối đầu với Israel và cung cấp hỗ trợ cho chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Iran coi Iraq đóng vai trò thiết yếu đối với an ninh của Iran. Xét đến kinh nghiệm đẫm máu của cuộc chiến Iran-Iraq trong những năm từ 1980-1988, Iran không chịu chấp nhận chỉ có một chính phủ dễ bảo nắm quyền lực ở Baghdad.

Điều khiến Iran hết sức lo lắng là những tiếng nói có tầm ảnh hưởng, trong đó có những tiếng nói ảnh hưởng của cộng đồng Hồi giáo Shi'ite, đã đặt ra yêu cầu rằng cần phải kiềm chế, nếu không loại bỏ hoàn toàn, sự nổi lên của chế độ Iraq vốn núp bóng Iran cũng như kiềm chế tầm ảnh hưởng của Iran đối với Iraq.

Một vài trong số các cuộc biểu tình bạo lực nhất và quy mô lớn nhất chống Chính phủ Iraq và Iran đã diễn ra ở những thành phố và thị trấn đông người Hồi giáo Shi'ite sinh sống ở miền Nam Iraq.

Các cuộc biểu tình này đã khiến lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei chỉ trích “các nhân tố nước ngoài” gây kích động phong trào biểu tình. Iran có một vài công cụ mà nước này có thể sử dụng để ngăn cản sự thay đổi hoàn toàn ở Iraq, bao gồm lực lượng bán dân quân Hồi giáo dòng Shia được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran huấn luyện.

Tuy nhiên, việc triển khai lực lượng bán quân sự này để đè bẹp phong trào biểu tình có thể dẫn đến sự đối đầu giữa họ và các lực lượng đại chúng đang nổi, theo đó sẽ hủy hoại hơn uy tín của Iran trong mắt của người dân Iraq, trong đó có cộng đồng người Hồi giáo Shi'ite.

Một câu khỏi tiếp tục làm khó giới quan sát là liệu các phong trào biểu tình ở Liban và Iraq có tuân theo một nguyên tắc tổ chức nào hay không. Cho đến thời điểm này, các cuộc biểu tình vẫn chỉ mang tính bột phát mà không theo một cấu trúc tổ chức chặt chẽ nào cả. Mọi người cũng nghi ngờ liệu biểu tình bột phát có kéo dài hay không. Kinh nghiệm của Ai cập hồi năm 2011 không đem lại nhiều lạc quan đối với nghi ngại này.

Một câu hỏi không kém phần quan trọng là không rõ liệu các phong trào biểu tình, dù bột phát và không có định dạng nhất định, có thể đem lại các cấu trúc điều hành và quản lý thay thế có tính khả thi và gắn kết cho Liban và Iraq hay không.

Có khả năng một hoặc cả hai nước này có thể sẽ rơi vào tình trạng vô chính phủ nếu các cấu trúc quyền lực hiện tại đổ vỡ và các cấu trúc thay thế không thể đem lại sự đảm bảo an ninh và điều hành quản lý.

Liban và Iraq dường như đang ở trên đỉnh của sự thay đổi chính trị có ảnh hưởng sâu rộng. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để dự đoán kết cục cuối cùng của các cuộc đấu tranh cho sự thay đổi. Nếu các phong trào biểu tình thành công, thì họ sẽ mở ra một sự khởi đầu của một tương lai dân chủ và phi giáo phái cho thế giới Arab. Nếu phong trào biểu tình thất bại, khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục sa lầy vào tình trạng hỗn loạn vốn đã bị mắc kẹt như vậy trong hàng chục năm qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục