Trung Quốc phát triển chùm vệ tinh để thám hiểm không gian sâu

Chùm vệ tinh thử nghiệm sẽ được Trung Quốc phát triển vào khoảng năm 2030 để hỗ trợ giai đoạn 4 của chương trình thám hiểm Mặt Trăng và việc xây dựng trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế.
Trung Quốc phát triển chùm vệ tinh để thám hiểm không gian sâu ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Trung Quốc sẽ phát triển một chùm vệ tinh, mang tên Queqiao, hay Magpie Bridge (Cầu Ô Thước), cung cấp các dịch vụ viễn thông, điều hướng và viễn thám, phục vụ thám hiểm không gian sâu.

Thông tin trên được chuyên gia vũ trụ cấp cao Wu Yanhua, người đứng đầu dự án về thám hiểm không gian sâu, đưa ra tại Hội nghị thám hiểm không gian sâu quốc tế lần thứ nhất, tổ chức tại thành phố Hợp Phì (Hefei), thủ phủ tỉnh An Huy (Anhui), miền Đông Trung Quốc. 

Theo ông Wu Yanhua, chùm vệ tinh thử nghiệm sẽ được nước này phát triển vào khoảng năm 2030 để hỗ trợ giai đoạn 4 của chương trình thám hiểm Mặt Trăng và việc xây dựng trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế.

Sau đó, nước này sẽ phát triển một chùm vệ tinh tiêu chuẩn cơ bản vào khoảng năm 2040 để thực hiện nhiệm vụ điều hướng khu vực và cung cấp các dịch vụ thám hiểm Mặt Trăng có người lái và thám hiểm không gian sâu đối với các hành tinh khác như sao Hỏa và sao Kim.

[Trung Quốc dự định thực hiện sứ mệnh Thiên Vấn-2 vào năm 2025]

Trung Quốc dự kiến mở rộng chùm vệ tinh trên vào khoảng năm 2050 để cung cấp các dịch vụ thám hiểm sao Hỏa, sao Kim, các hành tinh khổng lồ cũng như vùng rìa của hệ Mặt Trời.

Theo Cơ quan Quản lý vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA), nước này có kế hoạch phóng vệ tinh chuyển tiếp Queqiao-2, hay Magpie Bridge-2, thực hiện nhiệm vụ liên lạc giữa phần tối của Mặt Trăng với Trái Đất, vào năm 2024.

Vệ tinh này đóng vai trò nền tảng chuyển tiếp cho giai đoạn 4 trong chương trình thám hiểm Mặt Trăng, cung cấp dịch vụ liên lạc cho các sứ mệnh Chang'e (Thường Nga) 4, Chang'e 6, Chang'e 7 và Chang'e 8.

Hội nghị quốc tế về Thám hiểm không gian sâu do Phòng thí nghiệm Thám hiểm không gian sâu Trung Quốc tổ chức, là một trong những hoạt động nhằm chào mừng Ngày vũ trụ của Trung Quốc (ngày 24/4). Sự kiện diễn ra trong 2 ngày, với 500 khách mời từ 14 quốc gia và khu vực./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục