Tỷ lệ thu gom xử lý nước thải sinh hoạt đô thị mới đạt khoảng 15%

Theo thống kê, cả nước hiện mới có khoảng 71 nhà máy xử lý nước thải tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế khoảng 1,38 triệu m3/ngày; tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải vẫn còn thấp.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Trong khuôn khổ Tuần lễ Nước Việt Nam 2022, ngày 10/11, bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết cả nước mới có khoảng 71 nhà máy xử lý nước thải tập trung đi vào vận hành. Và hiện nay, tỷ lệ thu gom xử lý nước thải sinh hoạt đô thị vẫn còn ở mức tấp, mới chỉ đạt khoảng 15%.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, hạn hán cùng với việc gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của ngành nước ở Việt Nam.

Do vậy, việc giải quyết bài toán an ninh, an toàn cấp nước, tình trạng ngập úng đô thị và vấn đề xử lý nước thải là những thách thức đối với ngành nước Việt Nam hiện nay.

Trước thực tế nêu trên, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về cấp, thoát nước; ban hành cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống cấp thoát nước, bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đặc biệt là các cơ quan, các tổ chức, cá nhân cần phối hợp với Bộ Xây dựng tập trung xây dựng Luật Cấp thoát nước trình Quốc hội thông qua trước năm 2025.

[Nhiều tỉnh, thành phố hướng tới mục tiêu “Thành phố môi trường"]

Cùng với đó, các doanh nghiệp trong ngành cấp thoát nước cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiến tiến, thân thiện với môi trường trong hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cấp thoát nước, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên nước, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.

Có chung quan điểm, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp nhấn mạnh vấn đề an ninh an toàn trong hoạt động ngành Nước là một trong những nhân tố quan trọng gắn với giảm đói nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân cũng như làm nền tảng cho các mục tiêu phát triển khác của mỗi quốc gia.

Tỷ lệ thu gom xử lý nước thải sinh hoạt đô thị mới đạt khoảng 15% ảnh 1Sông Tô lịch, đoạn chảy qua địa bàn quận Cầu Giấy. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

Để giải quyết những khó khăn thách của ngành nước, nhất là vấn đề thoát nước và xử lý nước thải còn đạt ở mức quá thấp, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực trong việc hoàn thiện thể chế chính sách thông qua ban hành và bổ sung chỉnh sửa nhiều luật liên quan đến ngành nước như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác quốc tế cũng được tăng cường bằng nhiều hình thức đa dạng nhằm tranh thủ sự hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế.

Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu của Chính phủ đặt ra cũng như các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến 2030 và những thách thức nêu trên, theo ông Điệp, ngành nước Việt Nam còn cần phải nỗ lực rất nhiều trong thời gian tới.

Vì thế, việc đưa ra các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp có tính lâu dài từ quốc tế, cũng như định hướng chính sách phù hợp để giúp cho Việt Nam sớm đạt được mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc đến 2030 về bảo đảm cung cấp nước và vệ sinh, hướng tới sự phát triển một cách bền vững của ngành nước trong tương lai là rất cần thiết.

Tại sự kiện, bà Trịnh Thị Hòa, Điều phối viên Chương trình tài nguyên nước 2030 của Ngân hàng Thế giới đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai một số mô hình cấp nước và xử lý nước thải trong nước như Khu công nghiệp Phố Nối, Kế hoạch hành động Ganga ở Ấn Độ và Nhà máy xử lý nước thải công nghiệp Sóng thần 2.

Bà Hòa cũng đưa ra nhiều đề xuất như đẩy mạnh đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải theo mô hình đối tác công tư, hoàn thiện chính sách, hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực ngành nước Việt Nam.

Bày tỏ sự trân trọng đối với mối quan hệ hợp tác và phát triển giữa hai nước Việt Nam - Australia, bà Corinne Cheeseman, Giám đốc điều hành Hội nước Australia (AWA) cho biết thời gian tới, AWA mong sẽ tiếp tục được đồng hành cùng Hội Cấp thoát nước Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm, tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành cấp thoát nước./.

Điều 86 Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực từ 1/1/2022) quy định về việc thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung như sau: Nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình phải được thu gom, đấu nối với hệ thống thu gom, xử lý nước thải.

Nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong đô thị phải được thu gom, xử lý sơ bộ trước khi đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị; nước thải sau khi xử lý sơ bộ phải đáp ứng quy định của khu đô thị, khu dân cư tập trung hoặc quy định của chính quyền địa phương.

Nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong đô thị chưa có công trình xử lý nước thải tập trung phải được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận. Nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình tại khu dân cư không tập trung phải được thu gom, xử lý tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục