UAE rút khỏi Lực lượng Hàng hải Hỗn hợp do Mỹ đứng đầu

Hãng thông tấn WAM dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao UAE cho biết sau khi đánh giá hiệu quả hợp tác an ninh với tất cả các đối tác, nước này đã quyết định rút khỏi CMF cách đây 2 tháng.
UAE rút khỏi Lực lượng Hàng hải Hỗn hợp do Mỹ đứng đầu ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn: AFP)

Theo Reuters và Aljazeera, ngày 31/5, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thông báo đã rút khỏi Lực lượng Hàng hải Hỗn hợp (CMF), một liên minh an ninh hàng hải Trung Đông do Mỹ đứng đầu.

Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao UAE cho biết nước này đã ngừng tham gia Lực lượng liên quân hàng hải, có trụ sở chính tại căn cứ hải quân Mỹ ở Bahrain, từ hai tháng trước, sau khi đánh giá lại quan hệ an ninh.

“Từ những đánh giá của chúng tôi về hợp tác an ninh hiệu quả với tất cả đối tác, cách đây 2 tháng, UAE dừng tham gia Lực lượng hàng hải phối hợp”, hãng thông tấn WAM dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao UAE.

Tuyên bố của UAE không nêu rõ lý do tại sao họ ngừng tham gia hoặc liệu họ có tham gia lại hay không.

UAE cũng cam kết tham gia đối thoại và ngoại giao nhằm thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực, đảm bảo an toàn hàng hải trên các vùng biển của mình, phù hợp luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, theo trang web của CMF, UAE không rời khỏi CMF - được thành lập vào năm 2001 để giúp chống khủng bố quốc tế - và vẫn là một trong 38 quốc gia đối tác làm việc về an ninh, chống khủng bố và chống cướp biển ở Biển Đỏ và các vùng Vịnh.

Lực lượng hàng hải phối hợp (CMF là lực lượng đặc nhiệm của 34 quốc gia, với nhiệm vụ bảo đảm an ninh, chống khủng bố và chống cướp biển trên Biển Đỏ và Vùng Vịnh.

Khu vực này có những tuyến vận tải biển quan trọng nhất thế giới. Từ năm 2019, hàng loạt vụ tấn công vào tàu biển xảy ra khi căng thẳng giữa Mỹ và Iran tăng cao.

[UAE và Mỹ nhất trí chung sức chống lại đe dọa tại Trung Đông]

Một quan chức Mỹ xác nhận UAE vẫn là thành viên của CMF. Ông này cho biết UAE rất quan tâm đến những hành động sẽ được thực hiện để đối phó với các vụ bắt giữ tàu chở dầu, giống như sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Houthi do Iran hậu thuẫn vào UAE vào tháng 1/2022, hoặc bất kỳ hoạt động gây bất ổn nào khác.

Ông Kristian Ulrichsen, nghiên cứu viên về Trung Đông tại Viện Chính sách công Baker của Đại học Rice, cho biết động thái của UAE là một dấu hiệu cho thấy sự thất vọng của Abu Dhabi với Washington.

“Việc UAE rút lui có vẻ phù hợp với sự thất vọng của Abu Dhabi trước việc Mỹ thiếu sẵn sàng tích cực bảo vệ các đối tác của mình và thiết lập lại khả năng răn đe đáng tin cậy ở vùng Vịnh, tuy nhiên điều đó có thể không công bằng trong thực tế.”

Phó Giáo sư Andreas Krieg tại Khoa Nghiên cứu Quốc phòng của Đại học King's College London, cho biết quan hệ UAE-Mỹ đang trải qua một thời kỳ khó khăn với việc Abu Dhabi coi Mỹ "liên tục" không thực hiện đúng vai trò của mình. một người đảm bảo an ninh trong khu vực.

Ông Krieg cho biết việc này đã thúc đẩy các bên trong khu vực đa dạng hóa quan hệ đối tác an ninh của họ. Ông nói: “UAE đang sử dụng các sự cố tàu chở dầu tượng trưng cho mối quan hệ đối tác an ninh đang thất bại của Mỹ,” đồng thời cho biết thêm động thái của UAE là một minh chứng cho Mỹ rằng “họ là một quốc gia tự tin và có chủ quyền, có thể lựa chọn, tham gia hoặc rút lui."

UAE rút khỏi Lực lượng Hàng hải Hỗn hợp do Mỹ đứng đầu ảnh 2Một tàu chở dầu hướng tới Eo biển Hormuz ở ngoài khơi thành phố cảng Khasab, miền Bắc Oman. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Trước đó, ngày 30/5, UAE đã trả lời một báo cáo của Wall Street Journal, trích dẫn các nguồn tin của Mỹ và vùng Vịnh, cho biết quốc gia vùng Vịnh đã thất vọng vì Mỹ thiếu các hành động phản ứng đối với các vụ bắt giữ tàu chở dầu gần đây của Iran.

Các nhà phân tích cho biết Abu Dhabi muốn Washington hành động nhiều hơn để bảo vệ các tuyến đường vận chuyển và tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ an ninh của mình.

Hồi đầu tháng Năm này, Mỹ cũng cho biết sẽ tăng cường “thế trận phòng thủ” ở vùng Vịnh khi Washington cáo buộc Tehran thực hiện các cuộc tấn công gia tăng nhằm vào các tàu thương mại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục