UAE và Mỹ phân bổ 20 tỷ USD cho các dự án năng lượng sạch

Làn sóng đầu tư đầu tiên của thỏa thuận “Đối tác Mỹ-UAE về Tăng tốc Năng lượng Sạch” sẽ khởi động với 7 tỷ USD từ khu vực tư nhân và sẽ huy động thêm 13 tỷ USD qua tài trợ nợ của Mỹ và công cụ khác.
UAE và Mỹ phân bổ 20 tỷ USD cho các dự án năng lượng sạch ảnh 1Cánh đồng turbin gió ở gần Palm Springs, California (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại cuộc họp ngày 15/1 của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nhà hoạt động khí hậu trong sự kiện Tuần lễ Phát triển bền vững Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Mỹ tuyên bố sẽ phân bổ 20 tỷ USD để tài trợ cho cho các dự án năng lượng sạch và tái tạo ở Mỹ.

Các dự án này dự kiến có công suất lên tới 15GW tới năm 2035.

Đây là đợt giải ngân đầu tiên trong khuôn khổ quan hệ đối tác năng lượng sạch trị giá 100 tỷ USD đã được UAE và Mỹ ký kết.

Công ty năng lượng tái tạo Masdar của UAE và một liên minh các nhà đầu tư tư nhân Mỹ sẽ triển khai các khoản đầu tư nói trên.

Theo kế hoạch, làn sóng đầu tư đầu tiên của thỏa thuận “Đối tác Mỹ-UAE về Tăng tốc Năng lượng Sạch (PACE)” sẽ được khởi động với 7 tỷ USD vốn cổ phần bằng tiền mặt từ khu vực tư nhân, còn khoản 13 tỷ USD sẽ được huy động thêm thông qua tài trợ nợ của Mỹ và các công cụ khác.

Mỹ và UAE đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 11 năm ngoái nhằm thu hút đầu tư 100 tỷ USD vào các dự án năng lượng sạch có công suất 100GW tại hai nước và trên toàn cầu cho tới năm 2035. Hai bên cũng tuyên bố thành lập một nhóm chuyên gia để điều phối thỏa thuận PACE.

Những người đứng đầu của PACE bao gồm Chủ tịch được chỉ định của Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) kiêm Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến của UAE, Sultan Al Jaber; và điều phối viên đặc biệt của Tổng thống Mỹ về cơ sở hạ tầng toàn cầu và an ninh năng lượng, Amos Hochstein.

[Nhật Bản, Saudi Arabia ký MOU về hợp tác phát triển năng lượng sạch]

Bộ trưởng Al Jaber cho biết UAE đang hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ thỏa thuận PACE nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi công bằng, tăng cường an ninh năng lượng. Việc hợp tác này cũng chứng minh rằng hành động khí hậu có thể mở ra các cơ hội kinh tế.

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang chuẩn bị đánh giá tiến độ khí hậu toàn cầu tại COP28 ở UAE, mối quan hệ đối tác đa ngành này là một bước chuyển đổi để thúc đẩy giảm thiểu và thích ứng thông qua đầu tư thực tế và triển khai các dự án năng lượng sạch ở Mỹ, UAE và các nước mới nổi trên toàn cầu.

Thông qua Masdar, UAE đã hỗ trợ 10 dự án năng lượng sạch và tái tạo với tổng công suất hơn 1,75GW tại nhiều bang trên khắp nước Mỹ. UAE cũng đang lên kế hoạch đầu tư 600 tỷ dirham (163,5 tỷ USD) vào các dự án năng lượng sạch và tái tạo trong ba thập kỷ tới nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thời gian gần đây, nhiều quốc gia cũng đang tích cực đẩy mạnh hợp tác phát triển năng lượng sạch.

Saudi Arabia và Nhật Bản ngày 25/12 đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác phát triển năng lượng sạch, trong đó có xây dựng nền kinh tế carbon tuần hoàn, tái chế carbon, hydro sạch.

Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho hay MoU được Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman và Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura ký kết nhân chuyến thăm của ông Nishimura tới vương quốc này.

Tháng 11 vừa qua, các bộ trưởng năng lượng của Ai Cập và Mỹ cũng đã thảo luận những cơ hội hợp tác mới trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là liên quan đến việc sử dụng và lưu trữ carbon, hydro xanh, sử dụng hiệu quả năng lượng và tái tạo năng lượng.

Cuộc gặp của Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên khoáng sản Ai Cập Tarek El-Molla và Trợ lý Bộ trưởng Tài nguyên năng lượng Mỹ Geoffrey R. Pyatt diễn ra bên lề Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) - diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh.

Bộ trưởng Ai Cập cho biết Mỹ rất ủng hộ ý tưởng phác thảo một lộ trình hành động để giảm phát thải khí methane, còn quan chức Mỹ đánh giá cao nỗ lực của Ai Cập để trở thành một trung tâm năng lượng khu vực, tập trung vào cung cấp khí đốt tự nhiên và năng lượng điện cho các nước láng giềng, đồng thời thúc đẩy đầu tư vào sản xuất hydro xanh.

UAE và Mỹ phân bổ 20 tỷ USD cho các dự án năng lượng sạch ảnh 2Nhân viên kiểm tra một nhà máy điện Mặt Trời ở sa mạc Kubuqi, khu tự trị Nội Mông, hồi tháng 4/2022. (Nguồn: China Daily)

Trong khi đó, Trung Quốc đã khởi công xây dựng một dự án năng lượng tái tạo trị giá 80 tỷ nhân dân tệ (11 tỷ USD) ở Nội Mông - một phần trong kế hoạch triển khai năng lượng sạch quy mô lớn của nước này nhằm đạt các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng.

Theo dự kiến, khi hoàn thành, nhà máy này có thể cung cấp 40 tỷ kWh điện cho Bắc Kinh, Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc, với hơn một nửa là từ năng lượng sạch. Đây sẽ là dự án điện tái tạo lớn nhất thế giới được thiết lập ở một vùng sa mạc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục