UNESCO kêu gọi các nước nỗ lực phòng chống thiên tai

Tổng Giám đốc UNESCO kêu gọi chính phủ, người dân các nước chung tay góp sức và nỗ lực hơn nữa trong phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai.
Nhân Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai (13/10), Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), bà Irina Bokova đã kêu gọi chính phủ và người dân các nước trên thế giới chung tay góp sức và nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng ngừa và giảm nhẹ tác động của thảm họa thiên tai.

Trong thông điệp "Người khuyết tật trong thiên tai" phát đi ngày 10/10, bà Bokova nhấn mạnh trong bối cảnh các thảm họa tự nhiên ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, tác động lớn đến đời sống của người dân, chính phủ và người dân các nước trên thế giới cần phải có tư duy dài hạn, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai cũng như phát huy tính hiệu quả của các hệ thống cảnh báo sớm và các nỗ lực nhân đạo.

Theo bà, công tác giảm nhẹ rủi ro thảm họa cần phải được lồng ghép vào các kế hoạch phát triển và chiến lược, đồng thời chú trọng hơn đến giáo dục và đào tạo để có thể làm tốt công tác cứu hộ cũng như duy trì cuộc sống trong và sau thảm họa.

Tổng Giám đốc Bokova cho rằng giáo dục cần phải được đưa thành ưu tiên chiến lược, do đó, UNESCO hiện đang thúc đẩy các sáng kiến giảm nhẹ rủi ro thảm họa theo hướng hòa nhập trong các nhà trường trên khắp thế giới. Tổ chức này cũng đã thành lập một cổng thông tin nhằm giúp cho người khuyết tật có thể sử dụng quyền của mình để tiếp cận tri thức tốt nhất nhằm bảo vệ bản thân như ở Pakistan, UNESCO đã xây dựng các kế hoạch hành động an toàn nhà trường theo từng tỉnh trong đó phản ánh nhu cầu của người khuyết tật, với hệ thống thể chế mới nhằm đưa nội dung giảm thiểu rủi ro thảm họa vào ngành giáo dục.

Bà Bokova đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của người khuyết tật, cho rằng cần khuyến khích những người này tham gia vào các nỗ lực phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Theo bà, khoảng 650 triệu người, chiếm khoảng 10% dân số thế giới, thường bị bỏ quên trong quá trình quản lý thảm họa, nhất là giai đoạn ứng phó và cũng rất hiếm khi được coi là những thành phần quan trọng, dù họ thường là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Bà Bokova cho rằng trong lộ trình tiếp theo, thế giới cần phải tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc của Công ước Quốc tế về các quyền của người khuyết tật, trong đó nêu rõ người khuyết tật phải được hưởng lợi và cùng tham gia xây dựng các chiến lược cứu trợ thiên tai, ứng phó khẩn cấp và giảm nhẹ rủi ro thảm họa. Theo bà, thảm họa thiên tai là cơ hội để thách thức những thành kiến và phân biệt đối xử cũng như để "xây dựng lại cộng đồng tốt hơn" bằng việc đảm bảo sự tham gia của tất cả mọi người.

Bên cạnh đó, người đứng đầu UNESCO cho rằng công tác phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai cần bao gồm cả công tác hỗ trợ cho các di sản và hoạt động văn hóa. Kinh nghiệm của UNESCO trong việc hỗ trợ Lễ hội Carnival ở Jacmel, Haiti sau thảm họa động đất đã cho thấy di sản văn hóa phi vật thể là nguồn sức mạnh tinh thần lớn cho cộng đồng sau thảm họa.

Khoa học, công nghệ và kỹ thuật cũng là những yếu tố quan trọng trong việc huy động kiến thức cần thiết để bảo vệ tốt hơn cho người khuyết tật. Truyền thông đóng vai trò trọng yếu trong việc thúc đẩy thông tin giữa người khuyết tật và cơ quan nhân đạo trong các tình huống thảm họa.

Ở Kenya, UNESCO đã tổ chức một Diễn đàn Quốc gia các đài truyền thanh cộng đồng nhân Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai năm nay nhằm giúp cho các đơn vị truyền thông cộng đồng và các cơ quan địa phương có cơ hội chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục