Ưu tiên bảo tồn 8 loại thực vật ở Vườn Quốc gia Tràm Chim

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết hiện nay có 8 loại thực vật được Vườn ưu tiên bảo tồn, lưu giữ.

Vườn Quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp - Khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới đang bảo tồn, lưu giữ các loài thực vật bậc cao mang nét đặc trưng điển hình của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười,.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết hiện nay có 8 loại thực vật được Vườn ưu tiên bảo tồn, lưu giữ gồm cây gáo vàng, cà giâm, sen, lúa ma (lúa trời), năng kim, ráng gạt nai, dây chọi và cỏ bắc, là các loại thực vật được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam.

Đa số các loại thực vật quý hiếm đang phát triển rải khắp ở các khu A1, đến A5 của vườn và phát triển ở các vùng trũng, ao, hồ, kênh, mương.

Đặc biệt cây lúa trời hiện lưu giữ và bảo tồn hơn 800ha, được Vườn quốc gia thực hiện chương trình du lịch trải nghiệm thu hoạch lúa trời trên phạm vi khai thác 134ha.

Vườn Quốc gia Tràm Chim có kế hoạch giám sát bảo tồn từ năm 2014 đến năm 2020 bằng việc giám sát diễn biến các quần xã thực vật đặc trưng của Vườn (bao gồm xây dựng bản đồ phân bố); điều tra, kiểm kê, xây dựng bảng danh lục và tiêu bản các loài thực vật, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm (theo Nghị định 32, Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ IUCN); điều tra thành phần các loài thực vật có giá trị dược liệu ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia đề xuất các giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững; quy hoạch đầu tư vườn sưu tập thực vật (khoảng 2ha); xây dựng phòng bảo quản và trưng bày tiêu bản động, thực vật; sưu tầm các loài thực vật quý, hiếm bản địa và đặc trưng của vùng trồng tại vườn thực vật để bảo tồn nguồn gen. Đồng thời xây dựng đề án nghiên cứu tăng tính bản địa cho khu hệ thực vật dọc theo các bờ kênh, bờ đê bằng các loài cây gỗ bản địa của hệ sinh thái rừng tràm ngập nước Đồng Tháp Mười trước đây; xây dựng dự án bảo tồn lúa trời ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Việc thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước tại vùng này là việc làm rất thiết thực tạo một sự cân bằng về sinh thái, phục hồi những sinh vật đang mất dần trong vùng châu thổ Mekong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục