Vai trò của thương mại nhập khẩu với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc

Kinh nghiệm kể từ khi cải cách và mở cửa đã chứng minh Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ thu hút công nghệ thông qua nhiều hình thức nhập khẩu, tăng cường năng lực phát triển tự lực tự cường.
Container hàng hóa tại cảng Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Container hàng hóa tại cảng Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Thời báo Hoàn Cầu ngày 5/11, Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE) lần thứ ba được tổ chức đúng theo lịch trình từ ngày 5-10/11.

Đây là sự kiện lớn trong phát triển kinh tế của Trung Quốc và cũng là hoạt động thực tiễn quan trọng trong chính sách mở cửa trình độ cao của Trung Quốc.

Theo báo trên, qua hội chợ lần này, cần làm rõ ý nghĩa thiết thực của nhập khẩu hiện nay đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Thứ nhất, cần nhận thức được thương mại nhập khẩu có vai trò tích cực trong việc việc thu hút công nghệ, thiết bị tiên tiến và kinh nghiệm quản lý, kinh doanh của nước ngoài, có thể thúc đẩy khoa học công nghệ của Trung Quốc tiến bộ, thu hẹp khoảng cách công nghệ trong ngành sản xuất, tiết kiệm thời gian nghiên cứu và phát triển công nghệ để Trung Quốc bắt kịp công nghệ tiên tiến của thế giới.

Thứ hai, thông qua nhập khẩu công nghệ tiên tiến và thiết bị then chốt, Trung Quốc có thể cung cấp các dịch vụ hiệu quả để điều chỉnh và tối ưu hóa cấu trúc ngành nghề.

Điều chỉnh hợp lý cấu trúc ngành nghề là một trong những nhiệm vụ quan trọng để Trung Quốc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế chất lượng cao và là con đường cơ bản để tối đa hóa lợi ích kinh tế.

Việc điều chỉnh cấu trúc ngành nghề của Trung Quốc đòi hỏi phải có những dự đoán khoa học về phát triển kinh tế dựa trên xu hướng thay đổi của thị trường trong, ngoài nước và sự phát triển của khoa học công nghệ nhằm xây dựng các chiến lược điều chỉnh đúng đắn.

Việc điều chỉnh tỷ trọng và kết cấu bên trong của các ngành công nghiệp khác nhau thông qua kiểm soát vĩ mô sẽ giúp đẩy nhanh việc giải quyết tình trạng mất cân bằng kết cấu giữa các ngành công nghiệp cơ bản và công nghiệp gia công của Trung Quốc.

Thứ ba, thương mại nhập khẩu đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mô hình phát triển mới tuần hoàn kép.

Thông qua việc thu hút công nghê, thiết bị tiên tiến và nguyên liệu thô, có thể nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, tăng sự đa dạng về mẫu mã, cải tiến bao bì và trang trí, tăng tỷ trọng xuất khẩu các thành phẩm và các sản phẩm gia công có giá trị gia tăng cao, từ đó nâng cao vị thế của ngành sản xuất Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu.

[Những mục tiêu kinh tế chiến lược của Trung Quốc đến năm 2035]

Kinh nghiệm kể từ khi cải cách và mở cửa đã chứng minh Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ thu hút công nghệ thông qua nhiều hình thức nhập khẩu, tăng cường năng lực phát triển tự lực tự cường.

Trong tương lai, nhập khẩu sẽ hỗ trợ thúc đẩy hình thành mô hình phát triển mới tuần hoàn hoàn kép trong nước và quốc tế.

Vai trò của thương mại nhập khẩu với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ảnh 1Cảng container hàng hóa ở Thanh Đảo, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thứ tư, thương mại nhập khẩu có vai trò không thể thay thế trong việc bù đắp sự thiếu hụt tài nguyên trong nước, duy trì sự phát triển toàn diện, cân đối của nền kinh tế quốc dân.

Do tài nguyên bình quân đầu người của Trung Quốc thấp, nhiều nguyên liệu thô và vật tư sản xuất quan trọng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, sự phát triển của nền kinh tế quốc dân và sự phân bổ tối ưu hóa tài nguyên bị hạn chế bởi quy mô tài nguyên và nguyên liệu nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định và tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.

Để bù đắp sự thiếu hụt tài nguyên trong nước và nguyên liệu thô quan trọng, Trung Quốc nhập khẩu một số lượng lớn nguyên liệu cần thiết, giảm bớt mâu thuẫn cung cầu trong nước.

Thứ năm, thương mại nhập khẩu đóng góp tích cực vào việc điều chỉnh cân bằng cung cầu, làm khởi sắc và phong phú thị trường trong nước, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.

Mục đích của phát triển kinh tế là nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu ngày càng cao về vật chất và văn hóa của con người.

Trung Quốc có dân số đông và tiềm năng nhu cầu thị trường trong nước lớn, nhưng năng lực cung ứng của Trung Quốc vẫn chưa được khai thác triệt để.

Một mặt, Trung Quốc đã mở rộng sản xuất sản phẩm trong nước và đưa ra các sản phẩm chất lượng cao thông qua nhập khẩu nguyên liệu và công nghệ sản xuất.

Mặt khác, với việc không ngừng nâng cao mức sống của người dân và sự phát triển của quá trình quốc tế hóa, việc mở rộng nhập khẩu một cách thích hợp các mặt hàng và vật tư cấp thiết cho thị trường mà sản xuất trong nước không thể đáp ứng được có thể trực tiếp làm cho thị trường phồn thịnh và sôi động.

Thứ sáu, thương mại nhập khẩu có vai trò quan trọng trong việc tích lũy vốn. Hiện nay, Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống thuế quan tương đối hoàn chỉnh, việc phát triển thương mại nhập khẩu sẽ có lợi cho việc tăng nguồn thu thuế của đất nước.

Mặt khác, thông qua việc nhập khẩu thiết bị công nghệ, vật tư sản xuất, Trung Quốc có thể nâng cao trình độ sản xuất lao động, thúc đẩy nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và chất lượng kinh tế quốc dân, từ đó tạo ra giá trị cao hơn, tăng lợi nhuận, thuế và tích lũy vốn cho quốc gia và doanh nghiệp.

Ngày 5/11, phát biểu tại lễ khai mạc CIIE ở Thượng Hải, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng nước này sẽ tiếp tục tận dụng vai trò tiên phong của các khu vực tự do thương mại thí điểm và các cảng tự do thương mại trong công cuộc mở cửa.

Ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đi đầu mới trong công cuộc mở cửa và ban hành một tiêu cực đối với các dịch vụ thương mại xuyên biên giới và vẫn mở rộng hơn trong các lĩnh vực như kinh tế số và mạng Internet.

Nước này sẽ đẩy mạnh đổi mới và sáng tạo trong việc tự do hóa và tạo điều kiện cho lĩnh vực thương mại-đầu tư, cũng như tạo nhiều đổi mới thể chế để hỗ trợ một nền kinh tế mở chất lượng cao hơn.

Trung Quốc sẽ theo đuổi các biện pháp sáng tạo để gia tăng ngoại thương. Thông qua CIIE và các nền tảng mở cửa khác, Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ các công ty trên khắp thế giới khai thác các cơ hội kinh doanh tại Trung Quốc.

Ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ khuyến khích thương mại điện tử xuyên biên giới và các hình thức và mô hình kinh doanh mới khác nhằm phát triển nhanh hơn để thúc đẩy các động lực ngoại thương mới.

Trung Quốc sẽ cắt giảm danh mục liệt kê những công nghệ bị cấm hoặc hạn chế nhập khẩu nhằm tạo môi trường thuận lợi cho luồng lưu thông công nghệ tự do xuyên biên giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục