Về đâu thị trường phim nhập thời "hậu" Megastar

Từ vụ việc một công ty phát hành phim được coi là "có cỡ" nhất làng giải trí Việt bị điều tra vì những dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu có hay không sự buông lỏng thị trường phim nhập khẩu?

"Quan điểm của tôi về thị trường phim với tình hình nhập phim ồ ạt như hiện nay là rất cần thay đổi. Tình trạng để tư nhân nắm là rất bị động và sẽ dẫn đến mất thị trường ngay trên nước mình,” Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Trần Luân Kim chia sẻ.

Từ vụ việc một công ty phát hành phim được coi là "có cỡ" nhất làng giải trí Việt bị điều tra vì những dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu có hay không sự buông lỏng thị trường phim nhập khẩu? Và liệu khán giả Việt có tiếp tục phải chịu thiệt thời khi những vụ lình xình như thế này sẽ còn tiếp diễn...

Hay ho gì gà cùng mẹ đá nhau?

Ngay sau khi Megastar chính thức bị điều tra về việc vi phạm Luật Cạnh tranh, ông Khuất Duy Tân - Trưởng phòng Phổ biến phim của Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phóng viên Vietnam+ biết: Theo tinh thần chung, cho dù các đơn vị có khiếu nại, tranh chấp gì thì Cục yêu cầu các bên xem lại với tinh thần xây dựng, tránh căng thẳng. Mục tiêu là làm sao để xây dựng một thị trường Điện ảnh ổn định, lành mạnh và phát triển và đông đảo người xem được lợi.

"Về vụ việc cụ thể như Megastar bị kiện rõ ràng đến giờ thì mọi việc không rút lại được nữa. Dư luận sẽ đợi từ phía Cục Quản lý cạnh tranh điều tra, rút ra kết luận. Về phía Cục Điện ảnh thì chỉ là đơn vị hợp tác về mặt đưa ra thông tin chuyên ngành, cung cấp số liệu cho bên Cục quản lý Cạnh tranh," ông Tân nói.

Tuy nhiên, một bài học nhãn tiền có thể thấy ngay là: Vấn đề “lình xình” lần này thật không phải là chuyện hay ho gì. Điện ảnh nước nhà vừa bắt đầu xã hội hóa, thị trường còn nhỏ bé lại trong những bước đầu “mở mang” cũng cần vừa thực hiện vừa điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Nếu chưa gì đã “ầm ĩ," e rằng người bị thiệt đầu tiên là khán giả. Vì trên thực tế, bây giờ các đơn vị đang không có phim để chiếu!

Cũng có nhiều người xem phim cho rằng: Tuy các đơn vị phát hành phim có khiếu kiện này khác, nhưng với họ thì nhờ có những công ty nhập phim "năng động" như Megastar thì mới có nhiều phim hay mà xem. Được biết, có bộ phim của Mỹ nhưng ở Việt Nam còn chiếu trước Mỹ 12 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, việc giá vé còn cao và điểm chiếu còn ít nên thị trường vẫn chưa đem lại sự thoải mái cho khán giả.

Đó là chưa kể tự thân sự việc nhập phim và phát hành phim như thế đã làm "phân hóa" người xem. Vì hầu hết khán giả điện ảnh là người có thu nhập cao và ổn định tại các thành phố lớn. Như vậy đó là lượng khán giả hẹp. 

Ông Tân có lưu ý thêm: “Trong trường hợp cuối cùng, nếu thị trường phát triển theo chiều hướng xấu, Cục sẽ tham mưu cho Bộ để thay đổi một số chính sách cho phù hợp. Ví dụ như việc nhập phim hiện tại là 75% đến 77% là phim Mỹ. Các chuyên gia còn đang phải nghiên cứu để đưa ra những quy định phù hợp với pháp luật Việt Nam và cũng không trái với luật quốc tế, vì chúng ta đã gia nhập WTO."

Không để "mất" thị trường phim trên sân nhà

Ông Trần Luân Kim, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho hay: “Quan điểm của tôi về thị trường phim với tình hình nhập phim ồ ạt như hiện nay là rất cần thay đổi. Mà điều quan trọng nhất của thị trường phim là quản lý phát hành phim. Tình trạng để tư nhân nắm là rất bị động. Tư nhân đến từ nước ngoài hoặc vốn của nước ngoài mà chủ động phát hành phim thì ta sẽ mất thị trường ngay trên nước mình.”

Ông Kim lý giải, các nhà nhập khẩu phim nhập về một số lượng phim, sau đó độc quyền chiếu trong các cụm rạp hiện đại tại các thành phố lớn. Phim 3D có thể chiếu với giá 200.000 đồng/vé, phổ biến cũng 70.000 - 80.000 đồng/vé và vẫn thu hút được người xem. Trong khi đó, các rạp loại thường muốn chiếu không thể theo giá đó được.

"Cứ đà này thì chúng ta sẽ mất quyền làm chủ. Vậy thì nói gì đến tuyên truyền chính trị, giáo dục hay định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Nhà nước không chỉ tài trợ làm phim mà cũng cần tài trợ xây rạp. Nghĩa là Nhà nước phải nắm vai trò chủ đạo," ông Kim nhấn mạnh.

Nhận định về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, từ vụ Megasta, điều cần rút kinh nghiệm ngay là việc quản lý phát hành phim, cụ thể là quản lý nhập phim.

"Nhà nước phải quản lý nếu không sẽ bị mất thị trường phim của chính mình. Phải rút kinh nghiệm ngay chứ không thể để hổng việc phát hành phim như hiện nay được. Đó là sơ suất rất lớn. Giống như việc cấp rừng, cho thuê rừng ở Việt Nam vậy,”- một chuyên gia chia sẻ./.

Kim Anh - Mai Anh

Tin cùng chuyên mục