[Video] Phấn khích, hồi hộp với lễ hội có thánh 'lái' kiệu du Xuân

Kiệu thánh thường được người dân quan niệm là do thánh "lái," vì vậy, có thể chuyển hướng đột ngột hay bất ngờ nhảy múa khiến đông đảo người dân bị thu hút, tò mò và háo hức chạy theo đoàn rước kiệu.

Giữa Thủ đô Hà Nội, nếu muốn trải nghiệm cảm giác rộn ràng rước kiệu như ở vùng làng quê, lễ hội làng Mọc tại quận Thanh Xuân và phía Nam của quận Nam Từ Liêm sẽ là một lựa chọn thú vị.

Hội làng Mọc còn được gọi là hội kết chạ, ngợi khen sự đoàn kết, tương trợ, kết nghĩa anh em của các làng Mọc thời xưa đồng thời tôn vinh các thành hoàng làng, hay cũng chính là các nhân vật lịch sử có công bảo vệ đất nước.

[Người dân Hà Nội hào hứng dự hội làng Mọc sau 8 năm chờ đợi]

Chỉ tổ chức 5 năm một lần, vào các ngày từ mùng 10 đến 12/2 Âm lịch, hội kết chạ có quy mô lớn, hội tụ 5 làng Mọc xưa, dọc theo sông Tô Lịch, nay 2 làng đã sáp nhập nên chỉ còn 4, gồm làng Mọc Giáp Nhất, Mọc Quan Nhân, Mọc Cự Chính và Mọc Phùng Khoang. Mọc Quan Nhân là làng duy nhất có 2 kiệu của thánh ông (thành hoàng làng) và cả thánh bà (vợ thánh ông).

Nhiều người dân cho biết đã xin nghỉ làm cả ngày để được hưởng trọn không khí rước kiệu náo nhiệt từ sáng sớm.

Rước kiệu cũng chính là rước các thánh du Xuân. Vì vậy kiệu bất ngờ đi theo hướng nào thì người dân đều quan niệm là do thánh "lái" đi hướng đó. Mỗi chuyển động đột ngột của kiệu đều được người dân tò mò, theo dõi, hò reo và vô tư đuổi theo. Đặc biệt là khi cả 5 kiệu cùng xuất hiện sẽ tạo ra một khung cảnh đông đúc gấp nhiều lần, nhưng tạo nên một trải nghiệm văn hóa dân gian ấn tượng và đáng nhớ với bất cứ ai là một phần trong đó./.

(Vietnam+)