Viện trưởng Vin Hi-Tech: Không làm công nghệ cao để lấy lợi nhuận

Khẳng định Vin Hi-Tech không làm công nghệ cao để lấy lợi nhuận, giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ cho hay sẽ kết hợp với đào tạo để có thế hệ các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ quan trọng của đất nước đặt ra.
Viện trưởng Vin Hi-Tech: Không làm công nghệ cao để lấy lợi nhuận ảnh 1Gia nhập Vingroup, giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ sẽ phải gác lại sau lưng công việc hiện nay để về Việt Nam làm việc toàn thời gian. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Quốc Sỹ (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech) nhận định nhiệm vụ phát triển đất nước nhờ khoa học và công nghệ hiện nay rất cấp bách.

Trong một buổi chiều cuối tháng Tám, vị chuyên gia đầu ngành về Vật lý người Việt đã có buổi chia sẻ thẳng thắn với báo chí về những dự định của mình về “ngôi nhà mới,” nơi ông lựa chọn để trở về quê hương làm việc.

Lý do đầu quân cho Vingroup

- Thưa giáo sư, đâu là lý do ông về nước làm việc và tại sao ông lại chọn Vingroup để tiếp tục sự nghiệp khoa học của mình?

Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ: Về nước làm việc là mong muốn của cá nhân tôi từ những năm tháng còn học tập, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Và, sau này, chúng tôi cũng có những nhóm khoa học về hỗ trợ Việt Nam.

Thế nhưng, mong muốn đó chưa đủ để trở về vì để làm việc cần có điều kiện không chỉ về tài chính mà môi trường để cống hiến.

[Nhà khoa học Việt được vinh danh Viện sỹ Hàn lâm Nga]

Khi trò chuyện cùng chủ tịch Phạm Nhật Vượng, tôi quyết định chọn Vingroup để thực hiện mong muốn của mình. Vingroup ngoài khả năng tài chính còn có hệ thống quản trị, hệ sinh thái tốt để thực hiện các đồ án khoa học công nghệ.

Ở Vingroup, tôi thấy văn hóa làm việc đề cao tính kỷ luật và điều này thích hợp để nhà khoa học làm việc. Đó là lý do mà tôi cùng tập thể các nhà khoa học chọn là nơi làm việc.

- Mục tiêu của Vin Hi-Tech là gì?

Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ: Vin Hi-Tech là viện đa ngành và là địa chỉ để tập hợp các nhà khoa học công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước tới phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ chung tay góp phần vào sự nghiệp chung, cùng các bộ ngành, đồng nghiệp thực hiện các đồ án khoa học công nghệ cụ thể xuất phát từ nhu cầu bức xúc của cuộc sống.

Chúng tôi không làm công nghệ cao để lấy lợi nhuận, dù đây là vấn đề quan trọng.

Vin Hi-Tech cũng sẽ kết hợp cùng cơ sở đào tạo của Việt Nam cùng nhau đào tạo và đào tạo lại một thế hệ mới các nhà khoa học, để các cán bộ đó thực hiện nhiệm vụ của đất nước đặt ra.

- Là người làm khoa học ở nước ngoài nhiều năm, ông có hình dung được những khó khăn mà mình gặp phải khi về nước làm việc hay không?

Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ: Thực tế thì tôi đi đi về về được mười mấy năm để làm việc, và thất bại cũng nhiều.

Tôi từng đi nhiều viện nghiên cứu, trường đại học giúp họ làm đồ án khoa học cụ thể nhưng hiệu quả thấp so với công sức bỏ ra.

Từ đó, kinh nghiệm rút ra là chúng tôi phải tổ chức hệ thống, cơ chế làm việc mới, môi trường làm việc mới cho các nhà khoa học (điều kiện làm việc, hệ sinh thái phát triển tư duy). Mà Vingroup lại là nơi có môi trường đó.

[‘Đại gia’ Vingroup công bố chuyển mình thành tập đoàn công nghệ]

- Ông có phải cam kết khi làm việc cho Vingroup không ?

Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ: (Cười) Cam kết của tôi chính là tự nhận trách nhiệm của một nhà khoa học với đất nước…

Viện trưởng Vin Hi-Tech: Không làm công nghệ cao để lấy lợi nhuận ảnh 2Mẫu xe điện OOL EV2 của Vinfast, một đơn vị thành viên của Vingroup. (Nguồn: Vinfast)

Kết nối trí thức Việt

- Hiện, ông đã tập hợp đội ngũ nhà khoa học thế nào?

Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ: Trước mắt, chúng tôi chuẩn bị một đội ngũ khoa học chủ yếu là chuyên gia nước ngoài, cán bộ tại chỗ. Chúng tôi tích hợp theo từng nhóm và qua thời gian thử nghiệm vài năm trước đây mô hình này rất tốt.

Trong viện có những cá nhân rất xuất sắc, có đội ngũ chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước và nếu nói về học hàm, học vị cũng đều ở mức cao. Các nhóm trưởng đều là giáo sư, tiến sỹ khoa học, viện sỹ… Nhưng, điều này không nói hết được khả năng của chúng tôi…

Đây là đội ngũ mà chúng tôi dày công tích hợp nhiều năm nay và đã sẵn sàng cho nhiệm vụ của mình.

- Thực tế trong một số dự án công nghệ, Vingroup thường hợp tác với đối tác, mua bản quyền… Liệu vai trò của Viện Vin Hi-Tech có bị lu mờ trong chiến lược của tập đoàn?

Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ: Ngoài mua bản quyền công nghệ, thiết kế, thì tập đoàn giao trọng trách cho chúng tôi khẩn trương xúc tiến nghiên cứu để nhanh chóng tiến kịp thế giới, chủ động về công nghệ.

Không ai có thể có nền khoa học công nghệ khi chỉ đi mua về. Bước đầu, đề rút ngắn quá trình, chúng ta có thể mua công nghệ, thiết kế... Sau đó, các bộ phận của chúng tôi sẽ phải cáng đáng nhiệm vụ tích hợp, phát triển công nghệ đó thế nào cho hiệu quả…

- Vingroup có mục tiêu trong 10 năm tới trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu. Với hướng đi hiện nay, theo ông liệu mục tiêu đó có thực hiện được?

Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ: Lãnh đạo cao nhất của Vingroup đưa ra thông điệp rõ ràng việc đầu tư cho chúng tôi làm các đồ án khoa học công nghệ trong thời gian đầu, không tính lợi nhuận.

[Vingroup lập Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học 1.000 tỷ đồng]

Chúng tôi biết làm khoa học công nghệ không thể đem lợi nhuận nhanh chóng được. Tiềm lực khoa học và công nghệ của Vingroup cũng đang khiêm tốn ở bước khởi đầu. Với phương pháp tiếp cận dùng nguồn lực đã có để tăng nhanh thì tôi tin rằng Vin Hi-Tech sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển và Vingroup sẽ thành trở thành tập đoàn công nghệ đầu đàn của Việt Nam, vươn ra thế giới.

- Liệu Vin Hi-Tech có huy động nguồn lực từ bên ngoài…?

Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ: Một trong những nguyên tắc, phương pháp làm việc của chúng tôi là tích hợp, sử dụng nguồn lực sẵn có và bên ngoài để làm công việc cụ thể. Chúng tôi sẽ tổng hợp sức mạnh, dùng ưu điểm của hệ thống kháng bù lại khiếm khuyết của mình.

Chắc chắn trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam để cùng phát triển.

Viện trưởng Vin Hi-Tech: Không làm công nghệ cao để lấy lợi nhuận ảnh 3"Nhiều khi chúng tôi thường nói không phải làm việc 100% mà phải bằng 150% sức mình, khi đó tri thức không đủ mà cần có lòng yêu nước,” giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ nói. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

- Còn việc kết nối, đưa các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về, thưa ông?

Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ: Trong chiến lược tập trung đội ngũ tri thức, có một nhiệm vụ là kết nối, kêu gọi cũng như tập hợp các tri thức là người Việt ở nước ngoài về làm việc. Vấn đề này không chỉ Chính phủ, bộ ngành đặt ra mà chúng tôi tự nhận thấy đây là nhiệm vụ quan trọng.

Hiện, chúng ta có hơn 400.000 cán bộ có học vị đại học trở lên ở nước ngoài và trong đó có nhiều chuyên gia cao cấp, nhà khoa học. Để các cán bộ này kết hợp xây dưng đồ án khoa học thì vai trò kết nối, cá nhân của các nhà khoa học đầu đàn là rất quan trọng.

Chúng tôi sẽ thu hút chuyên gia cao cấp bằng uy tín của cán bộ khoa học đầu đàn mà Viện đang có. Bên cạnh đó, chúng tôi đã chuẩn bị chiến lược phát triển cũng như hệ sinh thái thuận lợi và nhiều yếu tố khác để làm việc này.

- Xin cảm ơn giáo sư!

Giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Quốc Sỹ sinh năm 1967. Ông có hơn 30 năm gắn bó với nghiên cứu chuyên ngành Vật lý Công nghệ Plasma.

Ông cũng là Trưởng khoa Năng lượng Plasma, Trường Đại học Năng lượng Quốc gia Nga (MEI), Giám đốc Phòng thí nghiệm vật lý Plasma.

Từng giành giải thưởng cho các nhà khoa học trẻ của Nga, ông Sỹ được vinh danh là Viện sĩ Thông tấn năm 2012 do Tổng thống Nga Vladimir Putin trao tặng. Ông cũng là Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Kỹ thuật Điện Liên bang Nga vào năm 2015.

Ông Sỹ cũng sở hữu gần 100 công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế và nhiều công trình của ông và cộng sự được ứng dụng trong các lĩnh vực vũ trụ, quân sự, an ninh quốc phòng, kinh tế.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục